ICU & ED
For Doctors and Nurses
Chỉ định và sử dụng máu, chế phẩm máu trong lâm sàng
Đăng nhập
TÌM KIẾM

Chỉ định và sử dụng máu, chế phẩm máu trong lâm sàng

Bộ Y Tế
 cập nhật: 26/1/2024
Chia sẻ
×

Chia sẻ



GIỚI THIỆU
Chế phẩm máu bao gồm nhiều sản phẩm đa dạng dùng để điều trị thay thế cho một hoặc nhiều thành phần quan trọng bị thiếu hụt ở người bệnh. Chế phẩm máu có thể được điều chế giản đơn từ máu toàn phần bằng cách ly tâm phân lớp theo tỷ trọng hoặc gạn tách từ người hiến máu bằng máy tách thành phần máu tự động. Huyết tương có thể được sử dụng để truyền trong điều trị lâm sàng hoặc được tiếp tục sản xuất theo các công nghệ chiết tách công nghiệp tạo ra các dẫn xuất huyết tương. Ngoài ra chế phẩm máu còn được điều chế bằng công nghệ tái tổ hợp gen.

  1. Truyền máu là một phần quan trọng trong hoạt động điều trị; chỉ định truyền máu hợp lý có thể cứu sống người bệnh; ngược lại, các tai biến trong truyền máu làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh lý và có thể dẫn đến tử vong.
  2. Tất cả các cơ sở y tế có thực hiện truyền máu phải xây dựng và phê duyệt quy trình thực hành chuẩn cho từng giai đoạn trong toàn bộ quá trình truyền máu và các nhân viên có liên quan đều phải được đào tạo, tuân thủ quy trình.
  3. Chỉ định truyền máu là trách nhiệm của bác sĩ điều trị, dựa trên các quy định, hướng dẫn, phác đồ điều trị được phê duyệt, căn cứ tình trạng cụ thể ở từng người bệnh, cũng như tiên lượng diễn biến bệnh lý với khả năng điều trị can thiệp hiện có và những nguy cơ, bất lợi có thể gặp do truyền máu.
  4. Cần lựa chọn đúng chế phẩm máu, phù hợp với tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh, vào đúng thời điểm cần thiết:
    • Đánh giá đúng tình trạng và tiên lượng.
    • Lựa chọn loại chế phẩm máu, thể tích truyền và tốc độ truyền phù hợp.
    • Thông báo cho người bệnh và/hoặc người nhà về chỉ định điều trị và có ghi bệnh án.
    • Điền đầy đủ mẫu phiếu dự trù; Nếu cần truyền cấp cứu, cần liên lạc ngay với đơn vị cung cấp bằng điện thoại để thông báo rõ ràng tình huống khẩn cấp.
  5. Máu và chế phẩm máu phải được bảo quản đúng điều kiện trong lưu trữ, vận chuyển, tại bệnh phòng trước truyền nhằm ngăn ngừa bội nhiễm và giảm hoạt tính chế phẩm.
  6. Đảm bảo hòa hợp miễn dịch truyền máu thông qua:
    • Xác định cẩn thận và chính xác người bệnh được chỉ định cần truyền máu.
    • Lấy mẫu, bàn giao mẫu máu xét nghiệm chính xác.
    • Xác định nhóm máu người bệnh, đơn vị máu và thực hiện các xét nghiệm xác nhận khả năng hòa hợp miễn dịch.
    • Cần xác nhận chính xác định danh người bệnh, nhóm máu của người bệnh và đơn vị máu ngay trước khi thực sự thực hiện truyền máu lâm sàng.
  7. Kiểm soát, phát hiện các dấu hiệu hư hỏng và không được sử dụng túi máu, nếu:
    • Túi máu bị mở van từ trước, bị thủng, rách ở bất cứ vị trí nào làm cho dịch trong túi có thể rò rỉ ra ngoài.
    • Đổi màu, vẩn, tủa: Màu hồng, hoặc đỏ ở lớp huyết tương; lớp hồng cầu màu sẫm màu, tím, đen,…
    • Kiểm soát thấy quá hạn sử dụng của đơn vị máu: Thông báo ngay cho đơn vị cung cấp máu khi phát hiện hoặc nghi ngờ có các dấu hiệu trên.
  8. Truyền máu cần thực hiện với bộ dây kim truyền máu vô trùng, có kèm bầu lọc loại 170-200 μm, chỉ sử dụng một lần; thay dây truyền máu đã sử dụng trong vòng tối đa không quá 12 giờ; cần luôn sử dụng bộ dây truyền máu mới khi truyền khối tiểu cầu.
  9. Lưu ý khi cần làm ấm máu truyền:
    • Cần đảm bảo giữ ấm cơ thể người bệnh khi: truyền máu khối lượng lớn; truyền thay máu, truyền thay huyết tương; nghi ngờ người bệnh có tự kháng thể lạnh.
    • Chỉ được làm ấm máu với thiết bị làm ấm chuyên dụng.
    • Không được làm ấm máu bằng cách đặt vào bình cách thủy hoặc bình đựng nước nóng: Đặc biệt nguy hiểm đối với khối hồng cầu, khối tiểu cầu.
  10. Trước khi truyền máu cần phải hướng dẫn, khuyến khích người bệnh, người nhà chủ động thông báo cho nhân viên y tế nếu người bệnh cảm thấy các biểu hiện bất thường, như mới xuất hiện cảm giác khó chịu, sốt cao, rét run, nóng bừng, đau ngực, khó thở, đau cơ, đau thắt lưng,… 
  11. Nhân viên thực hiện truyền máu cần được đào tạo, đảm bảo theo dõi tình trạng lâm sàng người bệnh chặt chẽ trước, trong và sau truyền máu; phát hiện và xử trí kịp thời các tai biến có thể xảy ra.
  12. Tiêm, truyền thuốc, dịch trong khi truyền máu:
    • Chỉ cho phép truyền dung dịch muối sinh lý NaCl 0,9% chung đường truyền tĩnh mạch với máu, chế phẩm máu.
    • Không được tiêm, truyền bất cứ thuốc, dịch truyền nào cùng đường tĩnh mạch khi đang truyền máu, đặc biệt là các dung dịch có canxi (Ringer lactat, canxi các loại…), dung dịch đường glucose các loại,…
  13. Việc theo dõi người bệnh đang truyền máu:
    • Đối với mỗi đơn vị máu truyền, cần theo dõi người bệnh liên tục và xử trí, ghi hồ sơ khi có bất thường; trường hợp bình thường cần khám và ghi theo dõi vào các thời điểm sau:
      • Ngay trước khi truyền máu.
      • Ngay sau khi bắt đầu truyền máu.
      • 15 phút sau khi bắt đầu truyền máu.
      • Mỗi giờ trong khi truyền máu.
      • Khi kết thúc truyền máu.
    • Tại mỗi thời điểm theo dõi, cần xác định và ghi hồ sơ các thông tin:
      • Toàn trạng chung.
      • Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, tốc độ truyền.
      • Cân bằng dịch: Dịch đưa vào gồm lượng dịch, chế phẩm máu truyền tĩnh mạch và nước uống với dịch mất từ lượng nước tiểu, mồ hôi, lượng máu mất,...
  14. Tốc độ và giới hạn thời gian truyền máu:
    • Cần bắt đầu truyền máu trong vòng 30 phút từ lúc lấy đơn vị máu ra ngoài thiết bị hoặc hộp bảo quản quy định.
    • Nên truyền xong mỗi đơn vị máu trong vòng 4 giờ.
    • Tốc độ truyền máu: Cần truyền không quá 20 giọt (1ml)/phút trong 15 phút đầu tiên; tốc độ truyền sau đó tùy thuộc đánh giá tiên lượng về khả năng dung nạp tuần hoàn, hô hấp của người bệnh:
      • Trong trường hợp bệnh lý mạn tính, không có thiếu hụt khối lượng tuần hoàn: Cần truyền không quá 30 giọt (1,5ml)/phút; trong trường hợp truyền các chế phẩm huyết tương chứa yếu tố đông máu không bền vững (yếu tố V, VIII) có thể truyền nhanh, nhưng không quá 40 giọt (2ml)/phút.
      • Khi có thiếu hụt thể tích lượng tuần hoàn: Có thể truyền nhanh, thành dòng, thậm chí truyền dưới áp lực và phải căn cứ vào tính toán cân bằng dịch ra vào cơ thể và tình trạng tuần hoàn, hô hấp.
      • Cần thận trọng điều chỉnh tốc độ truyền chậm: Ở người bệnh có nguy cơ suy tim, suy hô hấp, suy thận, các bệnh lý tim-phổi khác, sốt cao, người suy kiệt, người già, trẻ nhỏ,...
  15. Hồ sơ liên quan đến truyền máu: Hồ sơ truyền máu là văn bản chuyên môn có tính pháp lê rất quan trọng nhằm kiểm soát hoạt động truyền máu, tối thiểu bao gồm bệnh án, ý kiến đồng ý truyền máu của người bệnh/ người nhà người bệnh bằng văn bản, giấy dự trù, hồ sơ tiếp nhận mẫu máu, hồ sơ kỹ thuật xét nghiệm và cấp phát máu, phiếu truyền máu lâm sàng ghi nhận các thông tin có liên quan đến mỗi đơn vị máu, chế phẩm máu truyền. Các thông tin cần ghi hồ sơ gồm:
    • Việc thông báo cho người bệnh, người thân được về khả năng, lợi ích khi được truyền máu, cũng như nguy cơ có thể xảy ra liên quan đến truyền máu; người thực hiện và ghi hồ sơ.
    • Tình trạng lâm sàng, thông số xét nghiệm dẫn đến chỉ định truyền máu; người ghi hồ sơ. 
    • Chỉ định truyền máu: Thời gian chỉ định, loại chế phẩm máu, thể tích, tốc độ truyền; người chỉ định truyền.
    • Các thông tin về dự trù: Thời gian dự trù, thời gian dự kiến cần được cung cấp, loại chế phẩm máu, nhóm máu, thể tích, tính chất cấp bách, các lưu ý đặc biệt về tiền sử truyền máu (nếu có), các yêu cầu bổ sung với đơn vị máu (cô đặc, rửa, lọc bạch cầu, chiếu xạ, bất hoạt vi rút, nếu có); người chỉ định truyền.
    • Các thông tin về xét nghiệm định nhóm máu ABO, Rh(D), xét nghiệm hòa hợp miễn dịch tối thiểu ở các điều kiện 22ºC, 37ºC, anti-globulin; nhân viên thực hiện kỹ thuật xét nghiệm.
    • Thông tin về đơn vị máu truyền: Loại chế phẩm, mã số định danh duy nhất của đơn vị máu, nhóm máu ABO, Rh(D), thể tích, ngày điều chế, hạn sử dụng, điều kiện bảo quản; người cấp phát và ghi hồ sơ.
    • Nhãn hòa hợp miễn dịch của đơn vị máu: Định danh người bệnh đã được xét nghiệm hòa hợp gồm tên, mã người bệnh, nhóm máu ABO, Rh(D), số giường bệnh, khoa phòng điều trị.
    • Thông tin tại giường bệnh: Định nhóm máu ABO của bệnh nhân và đơn vị máu truyền, mạch, huyết áp, tình trạng lâm sàng trước truyền, thời gian bắt đầu truyền; các thông số về tốc độ truyền, mạch, huyết áp và tình trạng lâm sàng theo dõi định kỳ trong khi truyền; các thuốc, dịch truyền được sử dụng trước, trong và sau truyền máu, cũng như việc sử dụng đường truyền chung hoặc riêng rẽ; người thực hiện truyền máu. 
    • Tình trạng khi hoàn thành hoặc ngừng truyền bao gồm: Thời gian, lượng máu hoặc chế phẩm máu đã truyền và thể tích còn lại (nếu có); các thông số về mạch, huyết áp và tình trạng lâm sàng; người thực hiện và ghi hồ sơ.
    • Các tình trạng lâm sàng mới xuất hiện trong, sau truyền máu và các xử trí, các theo dõi lâm sàng và xét nghiệm; người phát hiện, chỉ định, thực hiện và ghi hồ sơ.
    • Trong trường hợp nghi ngờ có tai biến liên quan đến truyền máu, thì cần ngừng truyền, báo ngay cho bác sĩ, ghi nhận các dấu hiệu sinh tồn, lấy mẫu máu mới làm xét nghiệm bổ sung tìm nguyên nhân và đánh giá tình trạng bệnh lý. Trong trường hợp quyết định ngừng truyền máu, thì không được hủy đơn vị máu và bộ dây truyền mà phải bàn giao ngay cho đơn vị cấp phát máu để thực hiện điều tra nguyên nhân tai biến. Duy trì đường truyền tĩnh mạch bằng dung dịch muối NaCl 0,9%.

Hồng cầu chứa hemoglobin có vai trò chính trong vận chuyển oxy cho các mô và tế bào. Thời gian bảo quản đơn vị chế phẩm tùy thuộc dạng chế phẩm và dung dịch chống đông - bảo quản. Quá trình điều chế, bảo quản các chế phẩm hồng cầu làm cho các các tế bào máu bị hủy hoại, mất chức năng và hơn nữa có nguy cơ gây nhiều phản ứng bất lợi cho người bệnh khi truyền chế phẩm còn tồn dư nhiều bạch cầu. Mỗi đơn vị chế phẩm hồng cầu còn tồn dư khoảng 20 - 100 ml huyết tương và do vậy, thường không đủ để bổ sung thể tích tuần hoàn trong trường hợp giảm khối lượng tuần hoàn, có thiếu hụt hoặc rối loạn đông cầm máu. Trong những trường hợp đó, cần bổ sung truyền huyết tương cho người bệnh.
Máu toàn phần được lấy từ người hiến máu và chứa trong túi chất dẻo vô trùng có dung dịch chống đông - bảo quản bao gồm các chất citrate, phosphate, dextrose và có thể có adenine (CPD-A). Mỗi đơn vị máu toàn phần có thể tích 250-450 ml (không tính lượng dung dịch chống đông - bảo quản), nồng độ hemoglobin khoảng 12g/100 ml. Thời hạn bảo quản tối đa của máu toàn phần có dung dịch chống đông phù hợp ở điều kiện nhiệt độ khoảng 2-6ºC trong 35 ngày ở tủ lạnh chuyên dùng bảo quản máu.

Chỉ định truyền máu toàn phần:
  • Mất máu cấp kèm giảm thể tích tuần hoàn (mất khối lượng lớn hơn 30% thể tích máu, tương ứng với hơn 1.500 ml máu ở người nặng khoảng 50kg).
  • Truyền thay máu.
Lưu ý: Máu toàn phần ngày càng ít được cung cấp, sử dụng trong lâm sàng và thường được thay thế bằng các loại khối hồng cầu. 
  • Trong trường hợp thực sự cần chỉ định máu toàn phần có thể thay thế bằng chỉ định khối hồng cầu kèm các chế phẩm huyết tương.
  • Trong trường hợp cần truyền thay máu, có thể dự trù máu toàn phần hoàn nguyên từ khối hồng cầu trộn với huyết tương hòa hợp miễn dịch (thí dụ: có thể thay máu trẻ sơ sinh hoặc truyền máu trong tử cung bằng chế phẩm khối hồng cầu nhóm O trộn huyết tương nhóm AB). Truyền thay máu, đặc biệt là thay máu ở trẻ sơ sinh nên sử dụng máu toàn phần hoặc khối hồng cầu có thời gian bảo quản không quá 7 ngày kể từ lúc lấy máu
Mỗi đơn vị khối hồng cầu đậm đặc điều chế từ một đơn vị máu toàn phần lấy từ một người hiến máu, chứa 150-250ml hồng cầu (tương ứng với 250-450 ml/đv máu toàn phần) đã loại bỏ hầu hết huyết tương với hematocrit khoảng 65-75%, nồng độ hemoglobin khoảng 15-20 g/100ml thể tích thực.

Chỉ định truyền Khối hồng cầu đậm đặc:
  • Người bệnh bị thiếu hồng cầu có kèm nguy cơ quá tải tuần hoàn.
Lưu ý: Để tăng tốc độ truyền khối hồng cầu đậm đặc, có thể truyền dung dịch NaCl 0,9% qua chạc nối chữ Y khi truyền máu.
Khối hồng cầu có dung dịch bảo quản được điều chế bằng cách loại bỏ huyết tương từ máu toàn phần bằng ly tâm, bổ sung dung dịch bảo quản giúp duy trì khả năng sống và chức năng hồng cầu (thành phần thường gồm muối NaCl, adenine, glucose và manitol,…).

Mỗi đơn vị khối hồng cầu có bổ sung khoảng 50-100 ml dung dịch hòa loãng (tương ứng với 250-450 ml/đv máu toàn phần), có thể tích 180-300 ml, hematocrit khoảng 50-70%, nồng độ hemoglobin khoảng 10-15 g/100 ml thực. Có thể bảo quản ở 2-6ºC trong thời gian tối đa 42 ngày.

Chỉ định điều trị khối hồng cầu có dung dịch bảo quản:
  • Người bệnh thiếu hồng cầu các loại.
Lưu ý:
  • Truyền khối hồng cầu cần phù hợp tối thiểu nhóm hệ ABO và Rh(D) đảm bảo bằng định nhóm máu, xét nghiệm hòa hợp và sàng lọc kháng thể bất thường. Trong trường hợp cấp cứu không thể trì hoãn, cho phép truyền khối hồng cầu nhóm O trước khi hoàn thành các xét nghiệm an toàn. Ngoài ra, cần truyền khối hồng cầu Rh(D) âm nếu đã biết trước, hoặc nghi ngờ người bệnh mang nhóm Rh(D) âm.
  • Khối hồng cầu có thể được điều chế theo cách thức làm giảm số lượng bạch cầu tồn dư (có thể loại bỏ tới 70% bạch cầu) nhằm giảm bớt các phản ứng liên quan đến bạch cầu.
  • Không truyền mỗi đơn vị khối hồng cầu quá 4 giờ. Nếu tiên lượng cuộc truyền kéo dài, cần dự trù để chia tách thành các đơn vị thể tích nhỏ và truyền lần lượt từng đơn vị nhỏ, trong khi bảo quản các đơn vị còn lại trong điều kiện quy định.
  • CMV là vi rút thuộc nhóm Herpes có thể lây truyền từ người sang người. Người khỏe bị nhiễm có thể mang vi rút suốt đời. Truyền đơn vị máu từ người nhiễm CMV có thể gây nguy cơ cho người bệnh suy giảm hệ thống miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải hoặc đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch. Việc xét nghiệm bổ sung sàng lọc CMV đơn vị máu giúp giảm thiểu nguy cơ này.
  • Mỗi đơn vị máu toàn phần, khối hồng cầu có thể chứa trên 1 x 109 bạch cầu. Số bạch cầu này bị hủy hoại phần lớn trong 24 giờ sau khi hiến máu, có thể gây tắc nghẽn, tổn thương tuần hoàn vi mạch, gây ra một số phản ứng truyền máu và nguy cơ đồng miễn dịch ở người bệnh. Bạch cầu có thể mang các vi rút CMV lây truyền cho người bệnh. Việc lọc bạch cầu làm giảm bạch cầu dưới 1 x 106 trong mỗi đơn vị máu giúp ngăn ngừa nguy cơ đồng miễn dịch do bạch cầu và giảm thiểu nguy cơ nhiễm CMV cũng như giảm các nguy cơ khác do bạch cầu.
  • Những bạch cầu lympho có khả năng tồn tại khá lâu trong đơn vị máu và khi truyền vào cơ thể người bệnh đang trong tình trạng ức chế miễn dịch có thể tăng sinh, phát triển gây phản ứng “ghép chống chủ” nguy hiểm cho người bệnh. Việc chiếu xạ giúp ngăn ngừa khả năng tăng sinh, phát triển của các bạch cầu lympho có tiềm năng miễn dịch này. Chiếu xạ các đơn vị chế phẩm máu trong các thiết bị chuyên dụng với liều chiếu xạ tối thiểu 2.500 centigray (cGy hoặc rad).
  • Khối hồng cầu có thể được chỉ định thực hiện đồng thời xét nghiệm CMV âm tính, lọc bạch cầu và chiếu xạ hoặc có thể chỉ lọc bạch cầu đơn thuần (không chiếu xạ và xét nghiệm CMV).
  • Các đặc điểm về hemoglobin, hematocrit, điều kiện và thời gian bảo quản như mục(Khối hồng cầu có dung dịch bảo quản), ngoài ra,khối hồng cầu chiếu xạ phải sử dụng trong vòng 28 ngày sau chiếu xạ
Chỉ định điều trị khối hồng cầu xét nghiệm CMV âm tính, lọc bạch cầu và chiếu xạ đối với người bệnh thiếu hồng cầu có kèm theo:
  • Cấy ghép cơ quan, tổ chức.
  • Tình trạng giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc thứ phát.
  • Người bệnh đang điều trị các thuốc ức chế miễn dịch.
  • Truyền máu trẻ sơ sinh, truyền máu thai nhi trong tử cung.
  • Truyền máu, chế phẩm máu lấy từ cha, mẹ, anh chị em ruột cho người bệnh già yếu, trẻ nhỏ, suy kiệt.
Chỉ định điều trị khối hồng cầu lọc bạch cầu đối với người bệnh thiếu hồng cầu có kèm theo:
  • Tình trạng đồng miễn dịch bạch cầu ở người bệnh có giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu miễn dịch, xuất huyết giảm tiểu cầu.
  • Phản ứng truyền máu (sốt cao, rét run, dị ứng nặng,…) tái diễn nhiều lần do bạch cầu khi truyền máu do bất cứ bệnh lý nào.
  • Truyền máu khối lượng lớn.
  • Khối hồng cầu rửa là khối hồng cầu được loại bỏ huyết tương tối đa bằng cách rửa nhiều lần (tối thiểu 3 lần) với dung dịch muối đẳng trương và được pha loãng trong dung dịch muối, dung dịch bảo quản hồng cầu.
  • Do có nguy cơ nhiễm khuẩn khi thực hiện quy trình rửa trong hệ thống hở, chế phẩm này có thời hạn bảo quản ngắn ở nhiệt độ 2 - 6ºC không quá 24 giờ kể từ khi điều chế.
Chỉ định điều trị khối hồng cầu rửa đối với người bệnh thiếu hồng cầu:
  • Có nguy cơ miễn dịch với các thành phần trong huyết tương (đặc biệt với người bệnh có thiếu hụt IgA, nguy cơ sốc phản vệ, tổn thương phổi do truyền máu TRALI,…).
  • Thiếu máu tan máu tự miễn có hoạt hóa bổ thể.
Kháng nguyên hồng cầu có thể gây miễn dịch tạo ra kháng thể khi truyền cho người bệnh không có kháng nguyên tương ứng. Ngoài hệ ABO, hồng cầu còn có các kháng nguyên khác quan trọng trong miễn dịch truyền máu. Một số kháng nguyên thuộc các hệ nhóm máu này có thể kích thích sinh kháng thể gây ra các phản ứng gây tan máu miễn dịch cấp hoặc tan máu miễn dịch chậm.

a. Chỉ định điều trị khối hồng cầu hòa hợp nhóm máu ngoài hệ ABO:
  • Người bệnh thiếu hồng cầu có kháng thể bất thường được định danh.
b. Lưu ý:
  • Phát hiện kháng thể bất thường ngoài hệ ABO bằng xét nghiệm sàng lọc kháng thể bất thường. Cần thực hiện xét nghiệm này ở người bệnh có chỉ định truyền máu, đặc biệt lưu ý đối với phụ nữ đã có tiền sử thai nghén, sinh đẻ, người có tiền sử truyền máu nhiều lần. Ở người được truyền máu nhiều lần, nên thực hiện lặp lại xét nghiệm sàng lọc kháng thể bất thường sau mỗi đợt truyền máu trong khoảng 7 ngày.
  • Khi phát hiện thấy có kháng thể bất thường, cần xét nghiệm định danh loại kháng thể; Có thể phát hiện được 1 đến nhiều loại kháng thể bất thường ở một người bệnh; Các kháng thể bất thường ở người bệnh có nguồn gốc chủng tộc Việt Nam hay gặp bao gồm các kháng thể tương ứng với một số kháng nguyên hệ Rh (E, c, C, e, D), hệ MNSs (Mia, S, M), Kidd (Jka, Jkb), Duffy (Fya), P (P1), Lewis (Lea, Leb),…
  • Khi định danh được loại kháng thể bất thường, cần dự trù khối hồng cầu hòa hợp âm tính đối với kháng nguyên tương ứng với một hoặc nhiều kháng thể bất thường gặp ở người bệnh.
  • Việc tìm kiếm và cung cấp các đơn vị khối hồng cầu hòa hợp hiện mới chỉ đáp ứng ở một vài trung tâm cung cấp máu lớn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thông qua việc xây dựng được cộng đồng người hiến máu được định nhóm máu hệ ABO và các hệ nhóm máu khác. Đối với những nhóm máu quá hiếm cần được phát hiện và lưu trữ dài ngày bằng kỹ thuật đông lạnh hồng cầu, được trình bày ở phần sau.
  • Máu toàn phần và khối hồng cầu bảo quản ở 2 - 6ºC và có hạn sử dụng không quá 35 - 42 ngày. Khối hồng cầu có thể bảo quản đông lạnh nhằm kéo dài thời gian bảo quản. Khối hồng cầu đông lạnh được xử lý và bảo quản đông lạnh ở nhiệt độ không cao hơn - 60ºC trong dung dịch bảo vệ hồng cầu có glycerol với thời hạn bảo quản lên tới 10 năm.
  • Trước khi sử dụng để truyền cho người bệnh, khối hồng cầu đông lạnh cần được làm tan đông, rửa loại bỏ hết glycerol và hòa loãng trong dung dịch muối đẳng trương, dung dịch bảo quản hồng cầu hoặc trong huyết tương hòa hợp miễn dịch. Khối hồng cầu đông lạnh đã tan đông, loại bỏ glycerol cần bảo quản ở 2- 6ºC không quá 24 giờ trước khi sử dụng cho người bệnh. 
  • Chỉ định điều trị Khối hồng cầu đông lạnh đối với người bệnh thiếu hồng cầu có nhóm máu hiếm gặp trong cộng đồng.

  • Khối tiểu cầu có thể điều chế từ máu toàn phần có chứa tối thiểu 35-45 x 109 tiểu cầu từ mỗi đơn vị máu toàn phần 250ml; để sử dụng có thể pool (tập hợp) 3-4 đơn vị cùng nhóm máu.
  • Khối tiểu cầu gạn tách từ một người hiến bằng máy tách thành phần máu tự động thu nhận được thể tích khoảng 250-300ml và chứa khoảng 3 x 1011 tiểu cầu.
  • Khối tiểu cầu được điều chế từ máu toàn phần và pool trong hệ thống kín vô trùng, bảo quản ở 20-24ºC, lắc liên tục trong thiết bị bảo quản tiểu cầu chuyên dụng có thời gian lưu trữ tới 5 ngày. Khối tiểu cầu được điều chế hoặc pool trong hệ thống hở cần sử dụng trong vòng 24 giờ. Khối tiểu cầu sau khi lĩnh từ đơn vị cấp phát máu, phải được đặt trong nhiệt độ phòng ở 20-24ºC và cần được truyền sớm sau khi cấp phát.
  • Một người bệnh nặng khoảng 50 kg được truyền đơn vị tiểu cầu pool (chứa ít nhất 1,4 x 1011 tiểu cầu), có thể làm tăng số lượng tiểu cầu sau khi truyền lên thêm 20-40 G/l; nếu được truyền 1 đơn vị tiểu cầu gạn tách (chứa ít nhất 3,0 x 1011 tiểu cầu), có thể làm tăng số lượng tiểu cầu sau khi truyền lên thêm 40-80 G/l. Số lượng tiểu cầu tăng sau truyền còn tùy thuộc nhiều vào tình trạng chảy máu, đồng miễn dịch với bạch cầu, tiểu cầu, hiệu quả điều trị bệnh chính và điều trị rối loạn đông cầm máu,…
  • Các tình trạng có xuất huyết do giảm số lượng tiểu cầu dưới 50G/L. Trong tình trạng xuất huyết có giảm tiểu cầu kèm giảm chất lượng tiểu cầu, thì có thể chỉ định truyền khi số lượng tiểu cầu còn cao trên 50G/L.
  • Trường hợp người bệnh chưa có xuất huyết, cần xem xét chỉ định truyền khối tiểu cầu khi giảm số lượng tiểu cầu dưới 10G/L. Trong trường hợp số lượng tiểu cầu chưa giảm dưới 50G/L, cần cân nhắc chỉ định truyền nếu đồng thời có giảm chất lượng tiểu cầu của người bệnh và các yếu tố nguy cơ kèm theo như sốt, nhiễm trùng, rối loạn đông máu; nhu cầu phẫu thuật, thủ thuật có nguy cơ chảy máu; các tổn thương hiện có ở các cơ quan trọng yếu trong hộp sọ, lồng ngực, ổ bụng,...
  • Số lượng tiểu cầu lớn hơn 100G/L không có kèm các bất thường chức năng tiểu cầu (loại trừ giảm chức năng tiểu cầu do dùng thuốc, do các yếu tố ngoại sinh như ure máu cao, tăng globulin máu,…).
  • Các bệnh lý có phá hủy tiểu cầu do nguyên nhân ngoại sinh như giảm tiểu cầu do heparin, ban xuất huyết giảm tiểu cầu tắc mạch, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch hoặc vô căn,… trừ khi bệnh nhân có xuất huyết đe dọa tính mạng.
  • Có thể truyền khối tiểu cầu thay huyết tương hòa hợp, nếu có nguy cơ không hòa hợp do kháng thể có mặt trong huyết tương của đơn vị khối tiểu cầu.
Chỉ số CCI (corected count increment) được sử dụng để đánh giá đáp ứng truyền tiểu cầu dựa trên lượng tiểu cầu được truyền (x1011), nồng độ tiểu cầu trước truyền (/μL), sau truyền (/μL) và diện tích da cơ thể - BSA (m2).
  • CCI = (nồng độ tiểu cầu sau truyền - trước truyền) x BSA / lượng tiểu cầu đã truyền.
  • Tính CCI vào thời điểm trong vòng 1giờ và 24 giờ sau truyền tiểu cầu.
  • Bình thường CCI trong vòng 1 giờ là > 7.500 và 24 giờ sau truyền là > 4.500.
  • Nếu CCI lúc 1 giờ thấp dưới 5.000 có thể nghi ngờ tăng phá hủy tiểu cầu do miễn dịch.
  • Nếu CCI lúc 1 giờ bình thường, nhưng CCI 24 giờ giảm có thể nghi ngờ tăng phá hủy tiểu cầu do nguyên nhân không miễn dịch.
  • Khối tiểu cầu pool điều chế từ máu toàn phần có 4 loại thể tích 40, 80, 120, 150 ml có số lượng tiểu cầu tương ứng là 0,35 x 1011 tiểu cầu/đơn vị 40ml, 0,7x1011 tiểu cầu/đơn vị 80ml, 1,0x1011 tiểu cầu/đơn vị 120 ml và 1,4x1011 tiểu cầu/đơn vị 150 ml.
  • Tất cả các đơn vị Khối tiểu cầu này được bảo quản tới 05 ngày ở 20-24ºC kèm lắc liên tục. Các đơn vị khối tiểu cầu pool có thể tích nhỏ được sử dụng cho các bệnh nhân nhi, trọng lượng cơ thể nhỏ.
Chỉ định khối tiểu cầu pool:
  • Xem phần trên.
Thể tích đơn vị Khối tiểu cầu pool lọc bạch cầu khoảng 250 ml điều chế từ 2.000 ml máu toàn phần trong hệ thống kín; có tối thiểu 3,0 x 1011 tiểu cầu/đơn vị, số lượng bạch cầu tồn dư thấp hơn 1 x 106/đơn vị, bảo quản tới 05 ngày ở 20-24ºC kèm lắc liên tục.

Chỉ định khối tiểu cầu pool lọc bạch cầu:
  • Các tình trạng xuất huyết hoặc có nguy cơ xuất huyết nặng do giảm số lượng hoặc chất lượng tiểu cầu có kèm nguy cơ đồng miễn dịch bạch cầu, hoặc có tình trạng tái diễn phản ứng sốt, dị ứng sau truyền khối tiểu cầu.
  • Khối tiểu cầu gạn tách từ một người hiến máu có 3 loại thể tích 120 ml, 250-300 ml và 500 ml có số lượng tiểu cầu tương ứng là 1,5 x 1011 tiểu cầu/đơn vị 120ml, 3,0x1011 tiểu cầu/đơn vị 250-300ml, 6,0 x 1011 tiểu cầu/đơn vị 500ml. Loại đơn vị Khối tiểu cầu thể tích 500 ml sử dụng trong các trường hợp giảm tiểu cầu nặng và kéo dài, có nguy cơ đe dọa tính mạng. 
  • Khối tiểu cầu gạn tách từ một người hiến máu giảm thiểu tình trạng người bệnh phơi nhiễm với nhiều loại kháng nguyên bạch cầu của nhiều người hiến máu hạn chế tình trạng đồng miễn dịch với bạch cầu.
Chỉ định khối tiểu cầu gạn tách:
  • Các tình trạng xuất huyết hoặc có nguy cơ xuất huyết nặng do giảm số lượng hoặc chất lượng tiểu cầu.
Việc điều chế khối tiểu cầu lọc bạch cầu và/hoặc xét nghiệm CMV âm tính và/hoặc chiếu xạ nhằm mục đích ngăn ngừa đồng thời các tai biến đồng miễn dịch do bạch cầu, nguy cơ do nhiễm CMV và nguy cơ “ghép chống chủ” ở người bệnh suy giảm miễn dịch tự nhiên hoặc thứ phát; nguy cơ thải ghép nếu sau này người bệnh được ghép tạng hay tế bào gốc.

Chỉ định khối tiểu cầu gạn tách lọc bạch cầu, xét nghiệm CMV âm tính và chiếu xạ:
  • Các tình trạng xuất huyết hoặc có nguy cơ xuất huyết nặng do giảm số lượng hoặc chất lượng tiểu cầu có kèm nguy cơ đồng miễn dịch do bạch cầu, nguy cơ do nhiễm CMV và nguy cơ “ghép chống chủ”, hoặc nguy cơ thải ghép sau này.
  • Khối tiểu cầu gạn tách lọc bạch cầu, xét nghiệm CMV âm tính và chiếu xạ có 3 loại thể tích là 120 ml, 250-300 ml và 500 ml. Số lượng tiểu cầu trong các đơn vị này cũng tương tự như Khối tiểu cầu gạn tách cùng thể tích. Loại thể tích 500 ml sử dụng trong các trường hợp điều trị hóa chất, ức chế miễn dịch, cấy ghép cơ quan, tổ chức gây giảm tiểu cầu nặng và kéo dài có nguy cơ đe dọa tính mạng.

  • Khối bạch cầu hạt pool thể tích 250 ml điều chế từ máu toàn phần có chứa tối thiểu 10 x 109 bạch cầu hạt từ 4.000 ml máu toàn phần.
  • Khối bạch cầu hạt gạn tách từ một người hiến bằng máy tách thành phần máu tự động thu nhận được thể tích khoảng 250-300 ml và chứa khoảng 10 x 109 bạch cầu hạt.
  • Các khối bạch cầu hạt được điều chế trong hệ thống kín vô trùng, bảo quản ở 20-24ºC, không lắc có thời gian lưu trữ tới 24 giờ. Khối bạch cầu hạt được điều chế trong hệ thống hở cần sử dụng trong vòng 6 giờ. Khối bạch cầu hạt sau khi lĩnh từ đơn vị cấp phát máu, phải được đặt trong nhiệt độ phòng ở 20-24ºC và cần được truyền sớm sau khi lĩnh.
  • Một người bệnh, cân nặng khoảng 50 kg được truyền 1 đơn vị khối bạch cầu (chứa ít nhất 10 x 109 bạch cầu hạt), có thể làm tăng số lượng bạch cầu sau khi truyền lên thêm 2-3 G/l. Tuy nhiên, số lượng bạch cầu tăng sau truyền còn tùy thuộc nhiều vào tình trạng nhiễm trùng, đồng miễn dịch với bạch cầu, hiệu quả điều trị bệnh chính,…
Chỉ định chung cho các loại chế phẩm khối bạch cầu hạt:
  • Các tình trạng nhiễm trùng không kiểm soát được bằng liệu pháp kháng sinh và có kèm giảm số lượng bạch cầu hạt dưới 0,5 G/l;
Chỉ định khối bạch cầu hạt gạn tách:
  • Các tình trạng nhiễm trùng không kiểm soát được bằng liệu pháp kháng sinh và có kèm giảm số lượng bạch cầu hạt dưới 0,5 G/l trên bệnh nhân có suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc thứ phát.
Chỉ định khối bạch cầu hạt gạn tách xét nghiệm CMV âm tính và chiếu xạ:
  • Các tình trạng nhiễm trùng không kiểm soát được bằng liệu pháp kháng sinh và có kèm giảm số lượng bạch cầu hạt dưới 0,5G/l trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc thứ phát và cấy ghép cơ quan, tổ chức.

  • Huyết tương đông lạnh là chế phẩm huyết tương điều chế từ máu toàn phần có thời gian bảo quản quá 18 giờ kể từ khi lấy máu, hoặc từ các đơn vị huyết tươi đông lạnh đã được điều chế tủa lạnh. Huyết tương đông lạnh chứa phần lớn các thành phần như huyết tương tươi đông lạnh, ngoại trừ giảm thấp nồng độ các yếu tố đông máu không bền vững như yếu tố V, VIII.
  • Huyết tương đông lạnh thường được bảo quản ở -18ºC hoặc lạnh hơn trong thời gian 1 năm. Huyết tương tươi đông lạnh sau khi phá đông, được vận chuyển trong điều kiện giữ nhiệt độ trong khoảng 2-6ºC và cần được truyền trong vòng 30 phút. Trong trường hợp chưa sử dụng ngay, phải được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 2-6ºC không quá 14 ngày.
Chỉ định truyền huyết tương đông lạnh:
  • Truyền máu khối lượng lớn: bổ sung với truyền khối hồng cầu.
  • Giảm áp lực keo.
  • Điều trị quá liều các thuốc kháng vitamin K.
  • Truyền hoặc thay huyết tương trong ban xuất huyết giảm tiểu cầu tắc mạch (TTP).
  • Điều trị người bệnh thiếu một trong các thành phần protein huyết tương (albumin, C1 inhibitor,…) trong khi không có các chế phẩm đặc hiệu thay thế.
  • Huyết tương tươi đông lạnh được điều chế bằng cách chiết tách từ máu toàn phần hoặc tách bằng máy tách thành phần máu tự động, làm đông nhanh đến -25ºC hoặc lạnh hơn trong thời gian 18 giờ kể từ lúc lấy máu hay tách huyết tương. Một đơn vị huyết tương tươi đông lạnh có thể tích khoảng 200-300ml có chứa các protein huyết tương bao gồm các yếu tố đông máu, albumin và immunoglobulin. Huyết tương tươi đông lạnh duy trì nồng độ các yếu tố đông máu không bền vững như yếu tố V, VIII.
  • Huyết tương tươi đông lạnh thường được bảo quản ở -18ºC hoặc lạnh hơn trong thời gian 1 năm. Huyết tương tươi đông lạnh sau khi phá đông, được vận chuyển trong điều kiện giữ nhiệt độ trong khoảng 2-6ºC và cần được truyền trong vòng 30 phút. Trong trường hợp chưa sử dụng ngay, phải được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 2-6ºC và truyền trong vòng 24 giờ. Nếu bảo quản ở 2-6ºC quá 24 giờ thì phải hủy hoặc được chuyển sang loại huyết tương đông lạnh.
Chỉ định truyền huyết tương tươi đông lạnh: Các chỉ định tương tự như với huyết tương đông lạnh (ở trên). Ngoài ra, Huyết tương tươi đông lạnh còn thêm chỉ định, đó là:
  • Tình trạng chảy máu do thiếu yếu tố đông máu.
  • Tình trạng bệnh lý thiếu bẩm sinh hoặc thứ phát các yếu tố đông máu không bền vững (yếu tố V, VIII) mà không có các chế phẩm cô đặc thích hợp (như Khối cô đặc yếu tố VIII, tủa lạnh giàu yếu tố VIII,…).
Bằng cách kiểm soát quá trình làm tan đông chậm huyết tương tươi đông lạnh và giữ lại khoảng 10-20 ml tủa hình thành trong huyết tương tan đông tạo ra chế phẩm tủa lạnh. Tủa lạnh giàu yếu tố V, VIII, XIII, fibrinogen, vWF và fibronectin trong một lượng nhỏ thể tích. Tủa lạnh yếu tố VIII thường được cấp phát dưới dạng túi đơn hoặc pool (thường trộn từ các đơn vị huyết tương tách từ 6-8 đơn vị máu toàn phần). Lượng yếu tố đông máu chủ yếu trong một túi tủa lạnh thể tích 80-120 ml gồm yếu tố 240-280 iu VIII/túi, 600-650 mg fibrinogen/túi. Tủa lạnh giàu yếu tố VIII bảo quản ở nhiệt độ thấp hơn -18ºC trong 12 tháng. Sau khi phá đông, tủa lạnh cần được truyền trong vòng 6 giờ.

Chỉ định điều trị tủa lạnh yếu tố VIII:
  • Các bệnh thiếu hụt di truyền hoặc mắc phải yếu tố VIII (bệnh Hemophilia A), yếu tố vWF (bệnh von Willebrand), yếu tố XIII, yếu tố XIII, fibrinogen.
  • Các rối loạn đông máu có giảm nặng fibrinogen và các yếu tố đông máu khác gặp trong đông máu rải rác nội mạch, tiêu sợi huyết tiên phát hoặc thứ phát. 
Lưu ý:
  • Có thể truyền tủa lạnh giàu yếu tố VIII không hòa hợp nhóm máu hệ ABO với liều lượng không vượt quá 10 ml/kg cân nặng cơ thể trong mỗi khoảng thời gian 12 giờ (với người bệnh 50 kg có thể truyền 500 ml - tương ứng với 4 đơn vị tủa lạnh loại 80-120 ml/đơn vị không hòa hợp ABO).

Các sản phẩm protein tinh chế từ nguồn gốc chiết tách từ huyết tương người hoặc công nghệ tái tổ hợp, bao gồm albumin, immunoglobulin và các yếu tố đông máu như yếu tố VIIa, VIII, IX, phức hợp prothrombin,...
Chế phẩm albumin được điều chế bằng cách chiết tách công nghiệp từ pool huyết tương của nhiều người hiến máu. Chế phẩm albumin có thể đóng gói dưới dạng dung dịch albumin 5%, 20% hoặc các dung dịch protein giàu albumin (thành phần trên 95% là albumin) có nồng độ albumin khoảng 5%.

Chỉ định điều trị dung dịch albumin (người):
  • Điều trị các tình trạng giảm albumin huyết thanh do nhiều nguyên nhân: Hội chứng thận hư, xơ gan cổ trướng, bỏng,…
Lưu ý:
  • Không cần làm xét nghiệm hòa hợp miễn dịch khi truyền; truyền không cần bộ lọc.
  • Thận trọng khi sử dụng dung dịch albumin với mục đích nuôi dưỡng.
  • Truyền nhanh và nhiều dung dịch albumin 20% có thể có nguy cơ tăng thể tích tuần hoàn gây phù phổi.
a. Khối cô đặc yếu tố VIII (Factor VIII Concentrates, AHF Concentrates)
  • Khối cô đặc yếu tố VIII được điều chế từ huyết tương người hoặc công nghệ sinh học tái tổ hợp; được đông khô và bảo quản ở 2-6ºC trong thời hạn quy định của nhà sản xuất; đóng gói loại 250 hoặc 500 hoặc 1.000 iu/chai.
  • Truyền 1 đơn vị yếu tố VIII cho mỗi kg cân nặng có thể tăng 2% nồng độ yếu tố VIII trong huyết tương.
  • Tái huyền dịch trước khi tiêm truyền. Thời gian bán hủy sau khi tiêm truyền của yếu tố VIII là 8 - 15 giờ. 
Chỉ định điều trị khối cô đặc yếu tố VIII:
  • Điều trị bệnh Hemophilia A.
  • Điều trị bệnh von Willebrand (tùy từng loại chế phẩm và theo hướng dẫn của nhà sản xuất).
Lưu ý:
  • Chế phẩm có thể được chỉ định để sử dụng tại nhà với bệnh nhân đã được hướng dẫn.
  • Chế phẩm đã tái huyền dịch cần được tiêm truyền qua bộ lọc đóng gói cùng chế phẩm trong vòng 2 giờ.
b. Khối cô đặc yếu tố IX (Factor IX Concentrates)
  • Khối cô đặc yếu tố IX được điều chế từ huyết tương người hoặc công nghệ sinh học tái tổ hợp; được đông khô và bảo quản ở 2-6ºC trong thời hạn quy định của nhà sản xuất; đóng gói loại 350 - 600 iu/chai.
  • Truyền 1 đơn vị yếu tố IX cho mỗi kg cân nặng có thể tăng 1% nồng độ yếu tố IX trong huyết tương.
  • Tái huyền dịch trước khi tiêm truyền. Thời gian bán hủy sau khi tiêm truyền của yếu tố VIII là 11 - 27 giờ.
Chỉ định điều trị Khối cô đặc yếu tố IX: 
  • Điều trị bệnh Hemophilia B
Lưu ý:
  • Tương tự như lưu ý với khối cô đặc yếu tố VIII (ở trên)
c. Tổ hợp prothrombin cô đặc (prothrombin complex concentrates - PCC)
Tổ hợp cô đặc prothrombin điều chế từ huyết tương người có chứa yếu tố đông máu II, IX, X.

Chỉ định điều trị Tổ hợp prothrombin cô đặc:
  • Điều trị bệnh Hemophilia B.
  • Các bệnh lý gây kéo dài thời gian prothrombin.
Lưu ý:
  • Không nên dùng cho bệnh nhân bị bệnh lý gan mật, các tình trạng bệnh lý có nguy cơ huyết khối.
d. Khối cô đặc yếu tố VIIa tái tổ hợp (Recombinant Factor VIIa- rFVIIa)
Khối cô đặc yếu tố VIIa là glycoprotein điều chế bằng công nghệ tái tổ hợp, có đặc tính tương tự yếu tố VII người. Yếu tố VIIa là dạng hoạt hóa của yếu tố VII có thể hỗ trợ con đường đông máu ngoại sinh, mà không cần sự tham gia của yếu tố VIII và IX.

Chỉ định điều trị Khối cô đặc yếu tố VIIa:
  • Hemophilia A và B có xuất hiện chất ức chế (kháng thể kháng yếu tố VIII hoặc IX).
  • Hemophilia mắc phải.
  • Bệnh suy nhược tiểu cầu Glanzmann.
  • Thiếu hụt bẩm sinh yếu tố VII.
  • Có thể dùng để điều trị quá liều thuốc chống đông đường uống chống thrombin như dabigatran, rivaroxaban hoặc apixaban.
a. Globulin miễn dịch dùng tiêm bắp
Là dung dịch đậm đặc chứa kháng thể IgG điều chế từ huyết tương có khả năng chống lại các tác nhân vi sinh vật mà quần thể người hiến máu đã phơi nhiễm và sinh kháng thể đặc hiệu. Có thể được điều chế từ huyết tương được tăng miễn dịch từ người được miễn dịch chủ động bằng vắc xin (viêm gan B) hoặc người trong giai đoạn hồi phục sau khi nhiễm bệnh (uốn ván, dại). Đóng gói dưới dạng dung dịch 1-2 ml/ống. Không được tiêm tĩnh mạch loại globulin miễn dịch dùng để tiêm bắp.

Chỉ định điều trị các loại Globulin miễn dịch dùng tiêm bắp:
  • Giảm immunoglobulin máu bẩm sinh hoặc thứ phát.
  • Phòng ngừa các bệnh lý miễn dịch thường gặp ở bệnh nhân có nguy cơ giảm miễn dịch.
  • Phòng ngừa hoặc điều trị viêm gan B, uốn ván, dại,…
Chỉ định điều trị Globulin miễn dịch anti-D (anti-D RhIG):
Chế phẩm được điều chế từ huyết tương người hiến có nồng độ cao kháng thể anti-D do được mẫn cảm từ trước và được chỉ định sử dụng:
  • Phòng ngừa tình trạng miễn dịch cho người mẹ nhóm máu Rh(D) âm sau khi sinh con, nạo phá thai có nhóm Rh(D) dương hoặc sau truyền các thành phần máu (như khối tiểu cầu) nhóm Rh(D) dương.
  • Liều thường dụng: Tiêm bắp 500 iu đơn vị ngay khi sinh. Tiêm liều bổ sung chỉ định tùy thuộc vào số lượng chảy máu qua nhau thai khi đánh giá bằng xét nghiệm Kleihauer; nếu chảy máu > 4 ml, thêm 125 iu cho mỗi ml hồng cầu.
Chỉ định điều trị Globulin miễn dịch anti-HBs
  • Phòng ngừa tái nhiễm virus viêm gan B sau phẫu thuật cấy ghép gan đối với suy gan do viêm gan B: tiêm 2.000 IU ở người lớn mỗi 15 ngày khi điều trị dài hạn đáp ứng mục tiêu là duy trì nồng độ kháng thể chống HBsAg trong huyết thanh cao hơn 100 IU/l ở người bệnh có HBV-DNA âm tính và cao hơn 500 iu/L ở bệnh nhân HBV-DNA dương tính.
  • Phòng ngừa viêm gan B trong trường hợp phơi nhiễm ở người chưa có miễn dịch: Tùy mức độ phơi nhiễm, tối thiểu là 500 iu tiêm càng sớm càng tốt sau phơi nhiễm, tốt nhất là trong vòng 24-72 giờ.
  • Phòng ngừa viêm gan B ở người bệnh đang thẩm phân máu: 8-12 iu/kg, tối đa là 500 iu mỗi 2 tháng, cho đến khi có chuyển đổi huyết thanh sau khi tiêm vắc xin.
  • Phòng ngừa viêm gan B trên trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm virus viêm gan B: Tiêm ngay hoặc càng sớm càng tốt sau khi sinh: 30-100 iu/kg và tiêm nhắc lại cho đến khi chuyển đổi huyết thanh sau khi tiêm vắc xin.
Chỉ định điều trị Globulin miễn dịch chống uốn ván và Huyết thanh chống uốn ván: 
Globulin miễn dịch chống uốn ván được điều chế từ huyết tương người trưởng thành đã được tăng miễn dịch bằng giải độc tố uốn ván, có thời gian bán hủy khoảng 28 ngày. Huyết thanh chống uốn ván điều chế từ huyết tương ngựa được tăng miễn dịch bằng giải độc tố và sau đó là độc tố uốn ván, thời gian bán hủy khoảng 2-3 ngày. Các chế phẩm này được chỉ định:
  • Dự phòng cho người bệnh có nguy cơ uốn ván (vết thương bị nhiễm bụi bẩn, phân, đất hoặc nước bọt; vết thương do châm chích; nhổ răng; vết thương do vũ khí, dập nát, gãy xương hở, bỏng mà trước đó chưa tiêm phòng đủ 3 liều giải độc tố hoặc tiền sử tiêm phòng uốn ván không rõ.
  • Phối hợp (với các liệu pháp kháng sinh, an thần, giãn cơ,…) trong điều trị bệnh uốn ván đang tiến triển.
Liều lượng: 
  • Dự phòng: Liều Globulin miễn dịch chống uốn ván 250 iu (hoặc 4 iu/kg). Đối với trường hợp vết thương nặng (nhiều nguy cơ bị uốn ván) hoặc có sự chậm trễ trong dự phòng thì liều có thể tăng lên đến 500 iu. Trong tình huống tiếp tục đe dọa bị uốn ván có thể tiêm các liều bổ sung với khoảng cách là 4 tuần.
  • Huyết thanh chống uốn ván được dùng theo phương pháp giải mẫn cảm Besredka: Tiêm 0,1 ml, chờ nửa giờ, tiêm 0,25 ml, chờ nửa giờ nữa, nếu không phản ứng, tiêm hết liều còn lại. Liều thông thường huyết thanh chống uốn ván dự phòng sau khi bị thương là 1.500 iu. Tăng liều gấp đôi đối với vết thương dễ gây uốn ván hoặc chậm trễ trong bắt đầu tiêm phòng hoặc người có thể trọng quá cao.
  • Điều trị: Liều Globulin miễn dịch chống uốn ván là 3.000 - 6.000 iu. Liều Huyết thanh chống uốn ván: Với uốn ván sơ sinh 5.000 - 10.000 iu; Trẻ em và người lớn 50.000 - 100.000 iu, tiêm dưới da 1/2 liều và nửa còn lại tiêm bắp.
Lưu ý:
  • Thận trọng với người có tiền sử phản ứng dị ứng với Globulin miễn dịch từ người hoặc Huyết thanh chống uốn ván từ ngựa, phụ nữ mang thai, người thiếu hụt IgA, người giảm tiểu cầu hoặc rối loạn cầm máu.
  • Cần chuẩn bị sẵn sàng xử trí nếu xảy ra phản ứng phản vệ.
b. Globulin miễn dịch dùng truyền tĩnh mạch
  • Là các chế phẩm immunoglobulin được tinh chế có thể an toàn khi tiêm truyền tĩnh mạch.
Chỉ định điều trị Globulin miễn dịch dùng tiêm tĩnh mạch:
  • Điều trị các bệnh lý miễn dịch như xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, thiếu máu tan máu tự miễn, các trường hợp thiếu hụt yếu tố đông máu có chất ức chế và một số bệnh miễn dịch khác.
  • Điều trị các tình trạng thiếu hụt miễn dịch gây nhiễm trùng nặng.
  • Điều trị giảm immunoglobulin máu bẩm sinh hoặc thứ phát

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Quyết định Số: 1832/QĐ-BYT. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý huyết học. 2022
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Quyết định Số: 1832/QĐ-BYT. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý huyết học. 2022
 36 lượt xem VIP

DANH MỤC

Bố cục nội dung


ICU & ED chuyển đổi số !

Chuyên về công cụ hỗ trợ thực hành (tools), cập nhật phác đồ điều trị (protocols), hướng dẫn về thủ thuật (procedures), tra cứu về thuốc (drugs) và xét nghiệm (tests), sơ đồ tiếp cận (approach algorithm). Giúp cải thiện tốc độ và độ chính xác trong chẩn đoán và điều trị.
Chuyên về công cụ hỗ trợ thực hành (tools), cập nhật phác đồ điều trị (protocols), hướng dẫn về thủ thuật (procedures), tra cứu về thuốc (drugs) và xét nghiệm (tests), sơ đồ tiếp cận (approach algorithm). Giúp cải thiện tốc độ và độ chính xác trong chẩn đoán và điều trị.
×

Chia sẻ

Phiên bản miễn phí
Phiên bản VIP