Nhịn ăn uống và cung cấp carbohydrate trước phẫu thuật chương trình
181/QĐ-BYT - 2024 Chia sẻ
GIỚI THIỆU
Mục đích: Giảm thời gian nhịn ăn uống và khuyến khích người bệnh uống dịch trong suốt giàu carbohydrate khi chuẩn bị phẫu thuật chương trình.
Được chứng minh và khuyến cáo mạnh (1A)
- Nhịn ăn uống lâu gây khó chịu, hạ đường máu, mất nước, thiếu năng lượng, dị hoá và đặc biệt kháng insulin làm tăng nhiễm trùng và biến chứng sau phẫu thuật.
- Uống dịch trong suốt (đặc biệt loại giàu carbohydrate) là an toàn và hiệu quả:
- Không gây dạ dày đầy: 50% lượng dịch trong suốt uống vào được làm sạch khỏi dạ dày ở phút thứ 10 và 95% ở phút 60. Thể tích, pH dịch dạ dày khi nhịn ăn uống qua đêm tương tự khi uống dịch trong suốt đến 2 giờ trước phẫu thuật và không gặp trường hợp trào ngược nào khi khởi mê.
- Tăng cường hồi phục sau phẫu thuật: Người bệnh hài lòng, giảm đói khát, giảm lo lắng khi chờ phẫu thuật và cải thiện kết cục sau phẫu thuật (giảm kháng insulin, đường máu ổn định hơn, giảm dị hoá, giảm nhiễm trùng và giảm ngày nằm viện).
Cần đảm bảo an toàn thực phẩm, gồm 2 loại:
- Loại giàu carbohydrate phức (polysaccharide): gồm dạng bột hoặc lỏng, mỗi khẩu phần (1 serving) chứa 40 - 50 g carbohydrate pha trong 300 mL - 400 mL, có hoặc không thêm lượng khác nhau về điện giải, vi chất chống oxy hoá, vitamin, protein thực vật, hương vị hoa quả dễ uống. Loại này cung cấp nhiều năng lượng (1 g carbohydrate cho 4 kcal), có tác dụng giảm kháng insulin trong phẫu thuật.
- Loại có hoặc không chứa carbohydrate đơn (monosaccharide): gồm nước lọc, nước sucrose hoặc glucose, nước trà hoặc cà phê không sữa, nước hoa quả không cặn tép, đồ uống không cồn và không gas sinh CO2. Loại này chủ yếu cung cấp nước, ít năng lượng và ít tác dụng giảm kháng insulin trong phẫu thuật.
- Áp dụng cho người bệnh chuẩn bị phẫu thuật theo chương trình.
- Người bệnh chậm rỗng dạ dày và nguy cơ trào ngược gồm phẫu thuật cấp cứu
- Đái tháo đường chưa được kiểm soát
- Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
- Thoát vị hoành qua lỗ Hiatus
- Rối loạn nuốt
- Tắc ruột
- Nội soi tụy mật ngược dòng
- Tiên lượng đặt nội khí quản khó
Bác sỹ gây mê khám người bệnh ở khoa lâm sàng ngày trước phẫu thuật:
- Xác định và ghi hồ sơ bệnh án có hay không có chỉ định cung cấp carbohydrate
- Tư vấn người bệnh và gia đình hiểu, hợp tác thực hiện nhịn ăn uống và cung cấp carbohydrate
Bác sỹ lâm sàng và điều dưỡng khoa lâm sàng:
- Hỗ trợ tư vấn người bệnh và gia đình về nhịn ăn uống và cung cấp carbohydrate.
- Bác sỹ lâm sàng chỉ định chế độ nhịn ăn uống và cung cấp carbohydrate cho người bệnh (loại, lượng uống, thời gian uống phù hợp).
- Điều dưỡng thực hiện và giám sát chế độ nhịn ăn uống và cung cấp carbohydrate theo chỉ định của bác sỹ lâm sàng, ghi vào hồ sơ thời gian uống để kíp gây mê nằm thông tin khi người bệnh đến phòng phẫu thuật.
- Bác sỹ dinh dưỡng tư vấn, khuyến cáo cho người bệnh và bác sỹ, điều dưỡng khác về chế độ dinh dưỡng đặc biệt cần lưu ý.
Cách thực hiện: Nhịn ăn uống trước phẫu thuật chương trình theo công thức 2 - 4 - 6 - 8
Nhịn ăn uống trước phẫu thuật chương trình | |
---|---|
Loại thức ăn | Thời gian nhịn tối thiểu |
Dịch uống trong suốt | 2 giờ |
Sữa mẹ | 4 giờ |
Sữa công thức, ăn nhẹ (thức ăn đặc tinh bột) | 6 giờ |
Thức ăn đặc bình thường có thịt hoặc mỡ hoặc rau, xơ | 8 giờ |
- Tối ngày trước phẫu thuật: uống dần 2 khẩu phần từ sau ăn tối đến khi đi ngủ.
- Ngày phẫu thuật:
- Không cần truyền dịch bổ sung nước, điện giải, năng lượng khi chờ phẫu thuật
- Uống 1 khẩu phần theo một trong hai cách sau đây:
Uống 1 khẩu phần theo một trong hai cách | |
---|---|
Cách | Mô tả |
1. Theo lịch phẫu thuật | Trước 6 giờ sáng nếu phẫu thuật trước 12 giờ |
Trước 10 giờ 30 phút nếu phẫu thuật sau 12 giờ | |
Trước 16 giờ nếu phẫu thuật trì hoãn sau 18 giờ | |
2. Kết thúc uống tối thiểu 2 giờ trước phẫu thuật |
- Bác sỹ gây mê kiểm tra thời gian người bệnh ăn uống ngay trước khi gây mê, gây tê, an thần tĩnh mạch và xử trí phù hợp khi nghi ngờ dạ dày đầy.
- Người bệnh không dung nạp, từ chối hoặc khi không sẵn có loại dịch giàu carbohydrate: Khuyến khích uống dịch trong suốt khác hợp với sở thích.
- Trẻ em: uống theo nhu cầu bất cứ loại dịch trong suốt nào hợp với sở thích, ưu tiên lựa chọn loại cung cấp thêm năng lượng và điện giải. Trẻ > 16 tuổi uống dịch trong suốt carbohydrate như đối với người lớn.
- Người đái đường đã kiểm soát: tip 1 uống 1/2 lượng carbohydrate (50 g tối hôm trước và 25 g vào ngày phẫu thuật); tip 2 uống như người bệnh không đái đường.
- Người bệnh béo phì, sản phụ chưa chuyển dạ uống như với người bệnh khác.
- Sản phụ đang chuyển dạ: dù ăn uống hay nhịn vẫn coi là dạ dày đầy, ưu tiên gây tê vùng khi cần phẫu thuật lấy con cấp cứu, khởi mê nhanh (RSI) nếu gây mê.
- Thủ thuật chương trình dưới gây mê, an thần tĩnh mạch, tê vùng: Áp dụng như phẫu thuật chương trình.
- Chưa đủ thời gian nhịn ăn uống: Bác sỹ gây mê cân nhắc chờ đủ thời gian theo khuyến cáo hoặc ưu tiên gây tê hay thực hiện khởi mê nhanh cho dạ dày đầy (RSI).
- Thời gian phẫu thuật trì hoãn: uống dịch trong suốt carbohydrate theo lịch mới.
- Người bệnh được phép uống thuốc với ngụm nhỏ nước trong vòng 2 giờ trước phẫu thuật, thủ thuật chương trình.