ICU & ED
For Doctors and Nurses
Cúm mùa (cúm A, cúm B, cúm C)
Đăng nhập
TÌM KIẾM

Cúm mùa (cúm A, cúm B, cúm C)

Seasonal influenza
 cập nhật: 11/2/2025
Chia sẻ
×

Chia sẻ



GIỚI THIỆU
Chủ đề này được trích nguyên bản từ hướng dẫn của Bộ Y Tế, các phần cập nhật 2025(từ Uptodate) được dẫn riêng ở phần cuối bài viết theo nhóm tuổi: người lớn, phụ nữ mang thai và trẻ em.

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân.
  • Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.
  • Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
  • Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai.
  • Dù đa số lành tính, nhưng do số người mắc nhiều, số tử vong do cúm ở những người có biến chứng cao một cách không ngờ.
  • Cần phân biệt cúm mùa H1N1 với cúm đại dịch A/H1N1/2009 (tên đầy đủ là PBA9 H1N1) là chủng virus cúm mới lai tạo giữa virus cúm lợn, virus cúm chim và virus cúm người.
  • Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

  • Virus gây bệnh cúm là Myxovirus influenzae, thuộc họ Orthomyxoviridae, có chứa ARN, sợi đơn, xoắn đối xứng, vỏ ngoài để lộ ra hai kháng nguyên glycoprotein là neuraminidase (NA) và hemagglutinine (HA1-HA2). Kháng nguyên H và N của virus cúm A thường xuyên biến đổi theo thời gian, nếu biến đổi ít gọi là dời kháng nguyên (draft), biến đổi nhiều là chuyển kháng nguyên (shift). Điều này giải thích những vụ đại dịch, người mắc đợt trước vẫn có thể mắc đợt sau, và vaccin khó có hiệu quả.
  • Kháng nguyên H có từ H1 đến H15, N có từ N1 đến N9. Trong đó tổ hợp các virus cúm có H từ H1 đến H3 và N từ N1 đến N3 là những virus gây cúm cho người (H1N1, H2N1, H3N1…) Từ H5 đến H9 thường gây bệnh cho loài chim.
  • Có thể có tình trạng lai tạo giữa cúm người, cúm chim và cúm của các động vật (như lợn) tạo thành những chủng cúm mới gây bệnh cho người (ví dụ cúm PBA9 H1N1 xảy ra năm 2009 ở Mehico lan sang Hoa Kỳ.
  • Đặc tính kháng nguyên cho phép phân virus cúm thành 3 loại chính: A, B, C, khác nhau hoàn toàn về tính kháng nguyên (không có miễn dịch chéo). Dịch gây ra bởi virus cúm A, có chu kỳ khoảng 2-3 năm, tạo ra các vụ dịch lan rộng, đặc trưng bằng tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là ở người già. Dịch gây ra do virus cúm B có chu kỳ dài hơn 5-6 năm, dịch thường khu trú hơn, ít nghiêm trọng hơn nhưng đôi khi có thể phối hợp với dịch do cúm A gây ra. Virus cúm C có thể gây dịch một mình hoặc phối hợp với dịch cúm A hoặc là một số ca bệnh lẻ tẻ.
  • Các chủng được đặt tên dựa theo: typ kháng nguyên, nguồn gốc vật chủ nếu không phải là người, nguồn gốc địa lý, mã số chủng, năm phân lập virus.

  • Sốt (thường trên 380C), đau nhức cơ toàn thân và có một trong số các biểu hiện về hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở.
  • Hình ảnh chụp XQ phổi bình thường hoặc có tổn thương thâm nhiễm lan tỏa ở phổi.
  • Công thức máu bạch cầu bình thường hoặc giảm.
  • Có yếu tố dịch tễ: sống hoặc đến từ khu vực có bệnh cúm lưu hành hoặc có tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cúm.
  • Lâm sàng: có các triệu chứng như nêu trên.
  • Xét nghiệm dương tính với virus cúm bằng kỹ thuật RT-PCR hoặc real time RT-PCR hoặc nuôi cấy virus đối với các bệnh phẩm là dịch ngoáy họng, dịch tỵ hầu, dịch phế quản.
  • Lâm sàng có biểu hiện hội chứng cúm đơn thuần.
Là ca bệnh có biểu hiện lâm sàng như trên hoặc ca bệnh đã được chẩn đoán xác định kèm theo một trong các biểu hiện sau:
  • Có tổn thương ở phổi với biểu hiện suy hô hấp trên lâm sàng (thở nhanh, khó thở, SpO2 giảm, PaO2 giảm) và/hoặc
  • Có các biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.
  • Có các dấu hiệu nặng lên của các bệnh lý mạn tính kèm theo (bệnh phổi, bệnh gan, suy thận, tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh về máu).
Các đối tượng nguy cơ dễ mắc cúm biến chứng bao gồm:
  • Trẻ em: dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải.
  • Người già trên 65 tuổi.
  • Phụ nữ có thai.
  • Người lớn mắc các bệnh mạn tính.
  • Suy giảm miễn dịch (người bệnh đang điều trị thuốc chống ung thư, HIV/AIDS).
  • Nhiễm các loại virus khác (như Parainfluenza, Adenovirus, virus hợp bào hô hấp, Coronavirus, Enterovirus).
  • Nhiễm các vi khuẩn nội bào (như Mycoplasma, Chlamydiae, Coxiella).
Bệnh cảnh lâm sàng đều giống như cúm (hội chứng cúm). Chỉ có xét nghiệm sinh học mới có giá trị chẩn đoán tác nhân gây bệnh.

  • Người bệnh nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm phải được cách ly y tế và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng.
  • Nhanh chóng đánh giá tình trạng người bệnh và phân loại mức độ bệnh. Các trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng nặng cần kết hợp các biện pháp hồi sức tích cực và điều trị căn nguyên.
  • Thuốc kháng virus được dùng càng sớm càng tốt khi có chỉ định.
  • Ưu tiên điều trị tại chỗ, nếu điều kiện cơ sở điều trị cho phép nên hạn chế chuyển tuyến.
  1. Cúm có biến chứng: cần được nhập viện để điều trị và dùng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt.
  2. Cúm có kèm theo các yếu tố nguy cơ: nên được nhập viện để theo dõi và xem xét điều trị sớm thuốc kháng virus.
  3. Cúm chưa biến chứng: có thể không cần xét nghiệm hoặc điều trị cúm tại cơ sở y tế nếu biểu hiện triệu chứng nhẹ. Nếu triệu chứng nặng lên hoặc người bệnh lo lắng về tình trạng sức khỏe nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và chăm sóc.
  • Các trường hợp nhiễm cúm A hoặc B (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ.
Thuốc được sử dụng hiện nay là oseltamivir hoặc/và zanamivir.
  • Liều lượng oseltamivir được tính theo lứa tuổi và cân nặng.
  • Thời gian điều trị là 5 ngày.
  • 75 mg x 2 lần/ngày.
  • Cân nặng ≤ 15 kg: 30 mg x 2 lần/ngày.
  • Cân nặng > 15 kg đến 23 kg: 45 mg x 2 lần/ngày.
  • Cân nặng > 23 kg đến 40 kg: 60 mg x 2 lần/ngày.
  • Cân nặng > 40 kg: 75 mg x 2 lần/ngày.
  • 0-1 tháng: 2 mg/kg x 2 lần/ngày.
  • > 1-3 tháng: 2,5 mg/kg x 2 lần/ngày.
  • > 3-12 tháng: 3 mg/kg x 2 lần/ngày.
Zanamivir dạng hít định liều, sử dụng trong các trường hợp không có oseltamivir, chậm đáp ứng hoặc kháng với oseltamivir. Liều lượng zanamivir được tính như sau:
  • Người lớn và trẻ em > 7 tuổi: 10 mg (2 lần hít 5 mg) x 2 lần/ngày.
  • Trẻ em từ 5 - 7 tuổi: 10 mg (2 lần hít 5 mg) x 1 lần/ngày.
  • Hỗ trợ hô hấp khi có suy hô hấp: thở oxy, thở CPAP hoặc thông khí nhân tạo tùy từng trường hợp.
  • Phát hiện và điều trị sớm các trường hợp bội nhiễm vi khuẩn với kháng sinh thích hợp.
  • Phát hiện và điều trị suy đa phủ tạng.
  • Hạ sốt: chỉ dùng paracetamol khi sốt trên 38,5oC, không dùng thuốc nhóm salicylate như aspirin để hạ sốt.
  • Đảm bảo cân bằng nước điện giải.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý.
  1. Hết sốt và hết các triệu chứng hô hấp trên 48 giờ (trừ ho).
  2. Tình trạng lâm sàng ổn định.
Sau khi ra viện phải cách ly y tế tại nhà cho đến hết 7 ngày tính từ khi khởi phát triệu chứng.

  • Phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm.
  • Tăng cường rửa tay.
  • Vệ sinh hô hấp khi ho khạc.
  • Tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra.
  • Cách ly người bệnh ở buồng riêng.
  • Người bệnh phải đeo khẩu trang trong thời gian điều trị.
  • Thường xuyên làm sạch và khử khuẩn buồng bệnh và quần áo, dụng cụ của người bệnh.
  • Rửa tay thường quy trước và sau khi thăm khám người bệnh bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh.
  • Phương tiện phòng hộ gồm khẩu trang, găng tay, mũ, bao giầy hoặc ủng, mặt nạ che mặt... phải luôn có sẵn ở khu vực cách ly, được sử dụng đúng cách và khi cần thiết. Sau khi dùng được xử lý theo quy định của Bộ Y tế.
  • Giám sát: lập danh sách nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh, nhân viên làm việc tại khoa có người bệnh và nhân viên phòng xét nghiệm xử lý bệnh phẩm. Những nhân viên này cần được theo dõi thân nhiệt và các biểu hiện lâm sàng hàng ngày.
  • Nhân viên mang thai, mắc bệnh tim phổi mạn tính nên tránh tiếp xúc với người bệnh.
Nên tiêm phòng vaccin cúm hàng năm. Các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng cúm là:
  • Nhân viên y tế
  • Trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi
  • Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch…).
  • Người trên 65 tuổi.
Danh sách vắc xin phòng Cúm
Vaxgrip Tetra Pháp
Influvac Tetra Hà Lan
FLUARIX Đức
GC FLU Quadrivalent Hàn Quốc
IVACFLU-S Việt Nam
Có thể điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh được chẩn đoán xác định cúm. Thời gian điều trị dự phòng là 10 ngày. Liều lượng như sau:
Người lớn và trẻ em > 13 tuổi:
  • 75 mg x 1 lần/ngày.
Trẻ em ≥ 12 tháng đến ≤ 13 tuổi:
  • Cân nặng ≤ 15 kg: 30 mg x 1 lần/ngày.
  • Cân nặng > 15 kg đến 23 kg: 45 mg x 1 lần/ngày.
  • Cân nặng > 23 kg đến 40 kg: 60 mg x 1 lần/ngày.
  • Cân nặng > 40 kg 75 mg x 1 lần/ngày.
Trẻ em < 12 tháng:
  • < 3 tháng: Không khuyến cáo trừ trường hợp được cân nhắc kỹ.
  • 3-5 tháng: 20 mg x 1 lần/ngày.
  • 6-11 tháng: 25 mg x 1 lần/ngày.

Bảng 1. Nhóm bệnh nhân nguy cơ cao gặp phải biến chứng do cúm
Trẻ em < 5 tuổi, nhưng đặc biệt < 2 tuổi(ở trẻ nhỏ, tỷ lệ nhập viện và tử vong cao nhất ở trẻ < 6 tháng tuổi).
Người lớn ≥ 65 tuổi
Phụ nữ mang thai hoặc trong 2 tuần đầu sau sinh
Lưu trú trong viện dưỡng lão hoặc cơ sở chăm sóc dài hạn
Người da đen không phải gốc Tây Ban Nha, người gốc Tây Ban Nha hoặc La tinh, và người Mỹ gốc Ấn Độ hoặc người bản địa Alaska (Có thể liên quan đến điều kiện kinh tế và xã hội, ví dụ, nghèo đói, hộ gia đình nhiều thế hệ, khả năng tiếp cận hạn chế hoặc rào cản đối với việc tiêm vắc-xin cúm)
Những người mắc các bệnh lý bao gồm:
  • Bệnh hen suyễn
  • Các tình trạng thần kinh và phát triển thần kinh (bao gồm các rối loạn của não, tủy sống và dây thần kinh ngoại biên và cơ như bại não, động kinh, đột quỵ, khuyết tật trí tuệ, chậm phát triển từ trung bình đến nặng, loạn dưỡng cơ và chấn thương tủy sống)
  • Bệnh phổi mãn tính (ví dụ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính[COPD], xơ nang)
  • Bệnh tim (ví dụ, bệnh tim bẩm sinh, suy tim sung huyết, bệnh động mạch vành)
  • Rối loạn máu (ví dụ, bệnh hồng cầu hình liềm)
  • Rối loạn nội tiết (ví dụ, bệnh tiểu đường)
  • Bệnh thận
  • Rối loạn về gan
  • Rối loạn chuyển hóa (ví dụ, rối loạn chuyển hóa di truyền và rối loạn ty thể)
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu do bệnh tật (ví dụ, HIV, AIDS, ung thư) hoặc thuốc (ví dụ, hóa trị hoặc xạ trị, glucocorticoid mãn tính)
  • Trẻ em <19 tuổi đang được điều trị bằng aspirin dài hạn
  • Những người bị béo phì loại III (chỉ số khối cơ thể [BMI] ≥40 hoặc ≥140% giá trị phần trăm thứ 95th)
  1. Nhập viện: cần nhập viện cho những bệnh nhân bị mất nước đáng kể và những bệnh nhân bệnh nặng, đặc biệt là những bệnh nhân bị suy hô hấp, thiếu oxy máu, suy giảm chức năng tim phổi hoặc thay đổi trạng thái tinh thần (tình trạng ý thức). Nếu không có những tình trạng này, có thể cần nhập viện để theo dõi cho những bệnh nhân tăng nguy cơ đối với biến chứng(xem bảng 1 ở trên) và diễn tiến lâm sàng không chắc chắn.
  2. Điều trị triệu chứng: Duy trì đủ nước. Paracetamol và NSAID có thể được sử dụng để kiểm soát sốt, đau đầu và đau nhức cơ.
Bảng 2. Phác đồ kháng vi rút đối với điều trị và/hoặc dự phòng cúm mùa ở người lớn
Thuốc kháng vi rút Liều điều trị Liều dự phòng Các chống chỉ định
Oseltamivir(1) 75 mg uống 2 lần/ngày x 5 ngày(2) 75 mg uống 1 lần/ngày; thường x 7 ngày(1)(3) N/A
Zanamivir(4)(5) 10 mg (hít hai lần 5 mg) x 2 lần/ngày x 5 ngày 10 mg (hít hai lần 5 mg) x 1 lần/ngày, thường x 7 ngày Zanamivir (hít) chống chỉ định ở bệnh nhân hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, và nó không nên được sử dụng để điều trị cúm nặng (dữ liệu hạn chế).
Peramivir(1) 600 mg IV một liều duy nhất(2)(6) N/A Peramivir nên được dành riêng cho những bệnh nhân không thể dung nạp được các đường uống hoặc đường hít.
Baloxavir(5)(7) 40 kg đến < 80 kg: 40 mg uống một liều duy nhất.
≥80 kg: 80 mg uống một liều duy nhất
Dự phòng sau phơi nhiễm: Liều lượng tương tự như đối với điều trị, liều duy nhất(8) Baloxavir không nên được sử dụng để điều trị bệnh cúm nặng (dữ liệu hạn chế), người bị suy giảm miễn dịch (lo ngại về sự xuất hiện kháng thuốc) hoặc bệnh nhân mang thai (dữ liệu hạn chế).

(1) Khuyến cáo giảm liều oseltamivir và peramivir cho bệnh nhân suy thận.
(2) Đối với những bệnh nhân vẫn tiếp tục có triệu chứng của bệnh đường hô hấp dưới nặng (đặc biệt là trong bối cảnh suy giảm miễn dịch), thời gian điều trị bằng thuốc kháng vi-rút kéo dài (lên đến 10 ngày) có thể hợp lý, đặc biệt là ở những bệnh nhân vẫn tiếp tục phát hiện thấy RNA vi-rút từ mẫu bệnh phẩm đường hô hấp sau 5 ngày điều trị bằng thuốc kháng vi-rút.
(3) Có thể cần các liệu trình dài hơn trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh tại cơ sở y tế.
(4) Zanamivir được sử dụng bằng cách hít qua đường miệng thông qua một thiết bị bằng nhựa có trong gói thuốc; bệnh nhân sẽ được chỉ dẫn và thực hiện sử dụng thiết bị đúng cách.
(5) Trong các đợt bùng phát do vi rút cúm kháng oseltamivir, có thể sử dụng zanamivir hoặc baloxavir. Điều quan trọng là phải đánh giá nguy cơ mắc cúm kháng oseltamivir trước khi lựa chọn thuốc kháng vi-rút; các bác sĩ lâm sàng nên xem xét dữ liệu giám sát cúm trong khu vực để xác định loại và phân nhóm cúm nào đang lưu hành, cũng như các mô hình kháng thuốc.
(6) Nếu peramivir được sử dụng để điều trị bệnh cúm nặng, chúng tôi ủng hộ việc dùng thuốc trong 5 ngày.
(7) Nên tránh dùng đồng thời baloxavir với các sản phẩm từ sữa, đồ uống bổ sung canxi, thuốc nhuận tràng chứa cation đa hóa trị, thuốc kháng axit hoặc các chất bổ sung đường uống (ví dụ như canxi, sắt, magie, selen, kẽm).
(8) Baloxavir được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm(FDA) Hoa Kỳ chấp thuận để dự phòng sau phơi nhiễm nhưng không được chấp thuận để dự phòng trước phơi nhiễm.
- Điều trị kháng vi rút:
  • Thời gian: Đối với bệnh nhân nhập viện được biết hoặc nghi ngờ Cúm, biểu hiện < 48 giờ sau khi khởi phát triệu chứng, khuyến cáo điều trị kháng vi rút (mức 1C); đối với những bệnh nhân biểu hiện ≥ 48 giờ sau khi khởi phát triệu chứng, khuyến cáo điều trị bằng thuốc kháng vi rút (mức 2C).
  • Lựa chọn thuốc kháng vi rút: Đề xuất điều trị bằng Oseltaminir (mức 2C). Các thuốc thay thế khác bao gồm: Peramivir hoặc Zanamivir (đường tiêm). Zanamivir (dạng hít) chống chỉ định ở bệnh nhân Hen suyễn hoặc COPD, và không dùng để điều trị Cúm nặng (do dữ liệu hạn chế).Peramivir (đường tiêm) nên dành cho những bệnh nhân không dung nạp với thuốc dạng uống hoặc dạng hít. Baloxavir không nên dùng để điều trị Cúm nặng (do dữ liệu hạn chế) hoặc người bị suy giảm miễn dịch (do lo ngại về sự xuất hiện của tình trạng kháng thuốc).
- Nhiễm trùng kèm theo: Đề xuất điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm (ngoài kháng vi rút cho Cúm) trong những trường hợp sau:
  • Bệnh nhân suy hô hấp và/hoặc huyết động không ổn định
  • Bệnh nhân không cải thiện sau 3 - 5 ngày điều trị thuốc kháng vi rút và chăm sóc hỗ trợ
  • Bệnh nhân bị sốt sau khi hết sốt
Bệnh nhân nên được điều trị bằng thuốc có tác dụng chống lại Streptococcus pneumoniae và Streptococcus pyogenes (như ceftriaxone , levofloxacin hoặc moxifloxacin). Ngoài ra, đối với bệnh nhân bị viêm phổi nặng hoặc hoại tử, nên áp dụng phương pháp điều trị theo kinh nghiệm đối với nhiễm trùng Staphylococcus aureus kháng methicillin - MRSA (bằng vancomycin hoặc linezolid).
- Điều trị bằng thuốc kháng vi rút: Đối với bệnh nhân đã biết hoặc nghi ngờ nhiễm Cúm A hoặc B mà không có các tiêu chí cần phải nhập viện (xem phần bệnh nhân nội trú, ở trên), đề xuất điều trị bằng thuốc kháng vi rút trong những trường hợp sau:
  • Nguy cơ đối với các biến chứng do Cúm (xem bảng 1). (mức 2C).
  • Mắc bệnh tiến triển (mà không có tiêu chí cần nhập viện) (mức 2C).
  • Tiếp xúc với người khác (người mà cso có nguy cơ gặp phải biến chứng do Cúm[xem bảng 1], ví dụ: người trong cùng hộ gia đình và nhân viên chăm sóc y tế) (mức 2C).
  • Bệnh nhân ngoại trú mắc bệnh không biến chứng hoặc không có nguy cơ cao đối với các biến chứng do Cúm hoặc lây truyền: có triệu chứng < 48 giờ, việc có điều trị bằng thuốc kháng vi rút hay không nên được hướng dẫn tùy theo từng trường hợp cụ thể(việc điều trị có thể làm giảm nhẹ thời gian mắc bệnh khoảng 24 giờ).
Bệnh nhân ngoại trú mắc bệnh không biến chứng hoặc không có nguy cơ cao đối với các biến chứng do Cúm hoặc lây truyền: có triệu chứng ≥ 48 giờ, không nên điều trị bằng thuốc kháng vi rút vì việc điều trị không mang lại lợi ích (mức 2C). 

Lựa chọn thuốc kháng vi rút: Đối với bệnh nhân ngoại trú mắc Cúm, đề xuất điều trị bằng Oseltamivir (mức 2C); đây là thuốc có dữ liệu về hiệu quả và độ an toàn đã được xác lập nhiều nhất. Các thuốc thay thế bao gồm zanamivir dạng hít và baloxavir dạng uống. Liều lượng (xem bảng 2).

Kiểm soát nhiễm trùng và quay trở lại làm việc/trường học: Sử dụng khẩu trang và vệ sinh tay có thể làm giảm lây truyền trong gia đình. Những người bị Cúm nên ở nhà, không đi làm, đi học và những nơi công cộng khác cho đến ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt (mà không dùng thuốc hạ sốt) và các triệu chứng cải thiện.
Kháng thuốc kháng vi rút rất hiếm; các yếu tố nguy cơ bao gồm việc sử dụng thuốc dự phòng sau phơi nhiễm, điều trị kháng vi rút kéo dài và ức chế miễn dịch. Đối với những bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã biết nhiễm trùng do vi rút Cúm kháng Oseltamivir, đề xuất điều trị bằng zanamivir ( Cấp độ 2C )
  • Khuyến cáo điều trị thuốc kháng vi rút càng sớm càng tốt, bất kể tình trạng chủng ngừa vắc xin (mức 1C). Không nên trì hoãn điều trị trong khi chờ kết quả xét nghiệm chẩn đoán hoặc trong những trường hợp không thực hiện được xét nghiệm.
  • Lựa chọn thuốc kháng vi rút: Đề xuất điều trị bằng oseltamivir (mức 2C). Các thuốc thay thế bao gồm peramivir hoặc zanamivir; liều dùng(xem bảng 2). Tuy nhiên, Baloxavir thường không được sử dụng cho bệnh nhân đang điều trị hoặc giai đoạn đầu do thiếu dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả.
  • Phòng ngừa: nên tiêm vắc xin ngừa vi rút cúm cho tất cả bệnh nhân đang mang thai hoặc sẽ mang thai hoặc sinh con trong mùa cúm (mức 1A), bất kể tam cá nguyệt mang thai. Tiêm vắc xin ngừa Cúm trong thời kỳ mang thai giúp bảo vệ bà mẹ và cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Cúm ở trẻ sơ sinh trong sáu tháng đầu đời (khi trẻ còn quá nhỏ để tiêm vắc xin ngừa cúm). Những bệnh nhân như vậy nên được tiêm vắc xin Cúm bất hoạt (IV) hoặc vắc xin Cúm tái tổ hợp đã được cấp phép; họ không nên được tiêm vắc xin Cúm sống giảm độc lực (LAIV). Không có nguy cơ gia tăng về kết quả thai kỳ hoặc thai nhi bất lợi nào được quan sát thấy ở những bệnh nhân đang mang thai đã được tiêm vắc-xin cúm.
  • Cân nhắc đặc biệt: Trẻ sơ sinh không có triệu chứng (sinh ra trong bệnh viện với các biện pháp phòng ngừa kiểm soát nhiễm trùng) nên được coi là phơi nhiễm, không phải bị nhiễm bệnh. Những trẻ sơ sinh này có thể được chăm sóc tại phòng trẻ em bằng các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn và nên được theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng; không khuyến khích sử dụng thuốc dự phòng kháng vi rút thường quy. Tất cả các thành viên trong gia đình đủ điều kiện và người chăm sóc trẻ sơ sinh nên được tiêm vắc xin phòng ngừa vi rút Cúm.
Chỉ định điều trị bằng thuốc kháng vi rút cho trẻ em được xác nhận hoặc nghi ngờ mắc bệnh Cúm nên được đưa ra độc lập với tình trạng tiêm vắc xin Cúm theo mùa và không cần chờ kết quả xét nghiệm vi rút (nếu đã thực hiện xét nghiệm vi rút).
- Điều trị triệu chứng:
  • Cảm giác khó chịu liên quan đến cúm do sốt, nhức đầu, viêm họng và/hoặc đau cơ có thể được điều trị bằng Paracetamol (acetaminophen) hoặc thuốc chống viêm không steroid - NSAID (ví dụ, ibuprofen). Nên tránh dùng salicylate. Việc quản lý triệu chứng ho và viêm mũi cũng giống như đối với cảm lạnh thông thường.
- Chỉ định nhập viện: Quyết định nhập viện cho trẻ bị Cúm được cá nhân hóa. Các chỉ định nhập viện bao gồm:
  • Khó thở đáng kể khi nghỉ ngơi
  • Thay đổi trạng thái tinh thần(thay đổi ý thức)
  • Bệnh tiến triển hoặc tình trạng lâm sàng xấu đi, đặc biệt nếu liên quan đến tình trạng thiếu oxy máu
  • Mất nước hoặc không có khả năng duy trì lượng nước bằng đường uống 
  • Tình trạng bệnh mãn tính trở nên trầm trọng hơn
  • Phát triển các biến chứng nghiêm trọng (ví dụ, viêm cơ tim, viêm não, các biến chứng đường hô hấp dưới như viêm phổi thứ phát do vi khuẩn, viêm cơ nặng)
  • Đối với trẻ em được xác nhận hoặc nghi ngờ mắc Cúm và bệnh nặng (ví dụ, những trẻ phải nhập viện, có biến chứng nghiêm trọng [ví dụ, viêm cơ tim, viêm não] hoặc có tình trạng lâm sàng xấu đi tiến triển), khuyến cáo liệu pháp kháng vi rút (mức 1C).
  • Đề xuất Oseltamivir thay vì các thuốc kháng vi rút khác (mức 2C). Peramivir tiêm tĩnh mạch là một phương pháp thay thế cho những bệnh nhân không dung nạp liệu pháp đường uống. Zanamivir và baloxavir chưa được nghiên cứu ở trẻ em mắc bệnh Cúm nặng.
Dành cho trẻ em ngoại trú được xác nhận hoặc nghi ngờ mắc bệnh cúm và bệnh không nặng:
  • Trẻ có nguy cơ cao: Có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hoặc biến chứng (xem bảng 1), đề xuất điều trị kháng vi rút ( Mức độ 2C ).
  • Trẻ có tiếp xúc với người có nguy cơ cao: Có người thân trong hộ gia đình có độ tuổi <6 tháng tuổi hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh cúm nặng hoặc biến chứng (xem bảng 1), đề xuất điều trị kháng vi rút (mức 2C).
  • Không thuộc một trong các nhóm được liệt kê ở trên và có triệu chứng trong vòng <48 giờ, cung cấp điều trị kháng vi rút theo từng trường hợp cụ thể khi cùng ra quyết định với người chăm sóc, cân nhắc đến những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của liệu pháp kháng vi rút; 
  • Không cung cấp điều trị kháng vi rút cho trẻ em bị cúm không nặng có triệu chứng trong vòng ≥48 giờ. Đối với hầu hết trẻ em trước đó khỏe mạnh, Cúm là một bệnh nhiễm trùng nhẹ và tự khỏi, việc sử dụng thuốc kháng vi rút bừa bãi có thể gây ra tình trạng kháng thuốc, có thể gây giảm nguồn cung ứng thuốc cho những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh nặng.
Đối với trẻ em bị cúm không nặng, các lựa chọn điều trị bằng thuốc kháng vi rút bao gồm oseltamivir (cho trẻ ≥2 tuần tuổi), zanamivir (cho trẻ ≥7 tuổi), baloxavir (cho trẻ ≥5 tuổi) hoặc peramivir (cho trẻ ≥6 tháng tuổi). Lựa chọn được xác định theo độ tuổi, các đặc điểm lâm sàng và sở thích của bệnh nhân/người chăm sóc.

Chọn thuốc kháng vi rút theo đặc điểm lâm sàng ở trẻ em nghi ngờ hoặc xác định nhiễm Cúm
Nhóm bệnh nhân Thuốc ưu tiên Thuốc thay thế
Trẻ bệnh nặng
Bất kỳ điều nào sau đây:
  • Nhập viện
  • Biến chứng nghiêm trọng (ví dụ, biến chứng đường hô hấp dưới, viêm cơ tim, viêm não)
  • Tiến triển lâm sàng xấu đi
Oseltamivir uống(1) Peramivir IV (dành cho trẻ ≥6 tháng tuổi)
Trẻ bệnh không nặng
2 đến 4 tuổi Oseltamivir uống(1) Peramivir IV (dành cho trẻ ≥6 tháng tuổi)
5 đến 6 tuổi Oseltamivir uống(1)
Baloxavir uống
Peramivir IV (dành cho trẻ ≥6 tháng tuổi)
≥7 tuổi Oseltamivir uống(1)
Zanamivir hít
Baloxavir uống
Peramivir IV
Xem xét lựa chọn thuốc ở trẻ bệnh không nặng
Thuốc Ưu điểm Nhược điểm
Oseltamivir uống(1)
  • Thuốc được nghiên cứu tốt nhất ở trẻ em và thuốc có nhiều kinh nghiệm lâm sàng nhất
  • Kinh nghiệm nhiều hơn với thuốc này ở những bệnh nhân nặng
  • Cần dùng thuốc 2 lần/ngày trong 5 ngày
  • Sự xuất hiện của các đột biến thoát, đặc biệt ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch(2)
  • Tác dụng phụ: Buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, đau đầu
Zanamivir hít
  • Có thể có thời gian làm giảm các triệu chứng ngắn hơn so với các thuốc khác(3)
  • Cần dùng thuốc 2 lần/ngày trong 5 ngày
  • Cần có dòng khí hít vào đủ để huy động và phun khí dung thuốc
  • Nên tránh dùng cho những người có tiền sử: Bệnh phổi tiềm ẩn (ví dụ, hen suyễn); Dị ứng với lactose hoặc protein sữa 
  • Tác dụng phụ: Viêm xoang, chóng mặt
Baloxavir uống
  • Cho một liều duy nhất một lần
  • So với các thuốc khác, có thể làm giảm nguy cơ biến chứng Cúm(3)
  • So với oseltamivir, có thể làm giảm thời gian xuất hiện triệu chứng(3)
  • Có vẻ như làm giảm thời gian và lượng virus phát tán
  • Sự xuất hiện của các đột biến thoát(4)
  • Tác dụng phụ: Nôn ói, tiêu chảy
Peramivir IV
  • Cho một liều duy nhất một lần
  • Yêu cầu tiêm tĩnh mạch
  • Hiệu quả không chắc chắn trong điều trị nhiễm trùng do vi rút cúm B
  • Tác dụng phụ: Tiêu chảy, nôn ói
(1) Có thể dùng qua ống thông dạ dày, mặc dù dược động học có thể khác với đường uống, dẫn đến nồng độ giảm.
(2) Tình trạng kháng oseltamivir đã được báo cáo ở trẻ em và những bệnh nhân suy giảm miễn dịch trong quá trình điều trị bằng oseltamivir, chủ yếu ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch bị nhiễm vi rút Cúm A(H1N1)pdm09.
(3) Các thử nghiệm lâm sàng so sánh trực tiếp các thuốc kháng vi rút được liệt kê ở trên với 1 thuốc khác ở trẻ em thường còn thiếu (ngoại trừ 2 thử nghiệm so sánh oseltamivir và baloxavir). Tuy nhiên, trong một phân tích tổng hợp mạng lưới ước tính hiệu quả tương đối của các thuốc kháng vi rút khác nhau (oseltamivir, zanamivir, peramivir và baloxavir) dựa trên các so sánh gián tiếp từ các thử nghiệm có đối chứng giả dược và có đối chứng oseltamivir (hầu hết các thử nghiệm liên quan đến bệnh nhân trưởng thành được điều trị ngoại trú), liệu pháp zanamivir có liên quan đến thời gian ngắn nhất của các triệu chứng và liệu pháp baloxavir có liên quan đến nguy cơ biến chứng thấp nhất. Độ chắc chắn của những phát hiện này là thấp. Phân tích tổng hợp mạng lưới(network) không bao gồm một trong những thử nghiệm so sánh baloxavir và oseltamivir.
(4) Baloxavir có liên quan đến tình trạng kháng thuốc xuất hiện khi điều trị, đặc biệt là khi virus cúm A(H3N2) đang lưu hành. Trong các thử nghiệm lâm sàng, các đột biến thoát (virus có đột biến làm giảm khả năng nhạy cảm với baloxavir) đã được phát hiện ở khoảng 15 đến 20% bệnh nhân trẻ (tức là <12 tuổi) được điều trị bằng baloxavir và khoảng 5 đến 10% người lớn tuổi dùng baloxavir.

- Phác đồ kháng vi rút được ưa thích:
  • Trẻ <5 tuổi: Ưu tiên oseltamivir đường uống. Một liều peramivir IV duy nhất là một phương pháp thay thế cho trẻ em không thể uống thuốc.
  • Trẻ ≥5 tuổi: các lựa chọn điều trị bằng thuốc kháng vi rút bao gồm oseltamivir đường uống, zanamivir dạng hít , baloxavir đường uống và peramivir tiêm tĩnh mạch.
  • Liệu pháp kháng vi rút nên được thực hiện càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là <48 giờ sau khi khởi phát triệu chứng.
  • Mặc dù điều trị sớm hơn có liên quan đến kết cục được cải thiện, liệu pháp ức chế neuraminidase có thể được thực hiện ≥48 giờ sau khi khởi phát triệu chứng, đặc biệt ở trẻ em bị bệnh nặng hoặc có nguy cơ biến chứng cao.
  • Đánh giá và điều trị bệnh nhân có tình trạng xấu đi hoặc không đáp ứng với điều trị kháng vi rút nên được cá nhân hóa.
  • Các nguyên nhân tiềm ẩn gây thất bại điều trị bao gồm nhiễm vi rút kháng thuốc kháng vi rút và phát triển biến chứng (ví dụ, viêm cơ tim, viêm não, đồng nhiễm vi khuẩn/ nấm/ vi rút).
  • Bác sĩ lâm sàng nên xem xét dữ liệu giám sát tại địa phương để biết loại và phân nhóm vi rút Cúm nào đang lưu hành trong cộng đồng.
  • Nên tham khảo ý kiến của chuyên gia bệnh truyền nhiễm.
  • Các lựa chọn điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ bị cúm kháng oѕеltamivir bao gồm zanamivir dạng hít nếu bệnh nhân không nhập viện (chưa ghi nhận tình trạng kháng chéo) hoặc peramivir dạng tiêm tĩnh mạch (IV). Liệu baloxavir có hiệu quả ở bệnh nhân bị cúm kháng οѕѕeltamivir hay không vẫn chưa chắc chắn. Đối với trẻ em nghi ngờ bị cúm kháng balохаvir, các lựa chọn điều trị bao gồm zanamivir dạng hít hoặc peramivir dạng tiêm tĩnh mạch, có cơ chế tác dụng khác nhau và các liệu pháp điều trị đang được nghiên cứu (ví dụ: laninamivir, kết hợp balаlοхavir và thuốc ức chế neuraminidase).
Liều lượng Oseltamivir được khuyến cáo ở trẻ nhỏ (< 1 tuổi) trong điều trị hoặc dự phòng Cúm
Liều điều trị(1) Liều dự phòng(2)
Trẻ sơ sinh đủ tháng có cân nặng cơ thể đã biết
< 3 tháng(3) 3 mg/kg mỗi liều, uống 2 lần mỗi ngày trong 5 ngày Không khuyến cáo trừ những trường hợp nghiêm trọng(4)
3 đến 8 tháng 3 mg/kg mỗi liều, uống 2 lần mỗi ngày trong 5 ngày 3 mg/kg, uống 1 lần mỗi ngày
9 đến 11 tháng 3,5 mg/kg mỗi liều, uống 2 lần mỗi ngày trong 5 ngày 3,5 mg/kg, uống 1 lần mỗi ngày
Trẻ sơ sinh đủ tháng không rõ cân nặng
0 đến 3 tháng(3) 12 mg uống 2 lần mỗi ngày trong 5 ngày Không khuyến cáo trừ những trường hợp nghiêm trọng(4)
4 đến 5 tháng 17 mg uống 2 lần mỗi ngày trong 5 ngày 17 mg uống 1 lần mỗi ngày
6 đến 11 tháng 24 mg uống hai lần mỗi ngày trong 5 ngày 24 mg uống 1 lần mỗi ngày
Trẻ sinh non
PMA(tuổi sau kỳ kinh nguyệt [tuổi thai cộng với tuổi thực tế]) < 28 tuần(3) Khuyến cáo tham khảo ý kiến(hội chẩn) ​​của bác sĩ chuyên khoa về bệnh truyền nhiễm nhi khoa Không khuyến cáo trừ những trường hợp nghiêm trọng(3)
PMA từ 28 đến 37 tuần, 6 ngày 1 mg/kg mỗi liều, uống 2 lần mỗi ngày trong 5 ngày
PMA 38 đến 40 tuần, 0 ngày 1,5 mg/kg mỗi liều, uống 2 lần mỗi ngày trong 5 ngày
PMA >40 tuần đến 8 tháng tuổi theo thời gian 3 mg/kg mỗi liều, uống 2 lần mỗi ngày trong 5 ngày
Độ tuổi theo thời gian từ 9 tháng đến 11 tháng 3,5 mg/kg mỗi liều, uống 2 lần mỗi ngày trong 5 ngày 3,5 mg/kg mỗi liều, uống 1 lần mỗi ngày
Oseltamivir được cung cấp dưới dạng hỗn dịch uống (6 mg/mL). Phải cẩn thận trong cung cấp một thiết bị định lượng phù hợp với đơn vị đo lường trên hướng dẫn được cung cấp cho người chăm sóc và có thể cung cấp chính xác liều lượng được kê đơn. Cần điều chỉnh liều lượng cho những bệnh nhân bị giảm hoặc đang giảm mức lọc cầu thận.
(1) Thời gian điều trị thông thường là 5 ngày. Bệnh nhân nhập viện với bệnh nặng và bệnh nhân suy giảm miễn dịch có thể cần một liệu trình điều trị kéo dài.
(2) Thời gian điều trị dự phòng thay đổi tùy theo tình huống lâm sàng.
(3) Mặc dù không phải là một phần trong các chỉ định được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ(US FDA) chấp thuận, việc sử dụng oseltamivir đường uống để điều trị cúm ở trẻ sơ sinh dưới 14 ngày tuổi và để phòng ngừa bằng thuốc cho trẻ sơ sinh từ 3 tháng đến 1 tuổi được Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ(AAP) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh(CDC) khuyến nghị.
(4) Khuyến cáo tham khảo ý kiến(hội chẩn) ​​bác sĩ chuyên khoa về bệnh truyền nhiễm nhi khoa.
Khuyến cáo về liều lượng thuốc kháng vi rút để điều trị Cúm ở trẻ em và thanh thiếu niên
Thuốc/ công thức Khuyến cáo về liều dùng
Oseltamivir (Tamiflu)(1)
  • Viên nang 30 mg
  • Viên nang 45 mg 
  • Viên nang 75 mg
  • 6 mg/mL hỗn dịch(2)
1 đến 12 tuổi
Trẻ em ≥12 tháng tuổi nên dùng khoảng 4 mg/kg mỗi ngày bằng đường uống chia thành 2 liều trong liệu trình điều trị 5 ngày.
≤15kg >15 đến 23 kg >23 đến 40 kg >40kg
60 mg/ngày uống chia làm 2 lần trong 5 ngày 90 mg/ngày uống chia làm 2 lần trong 5 ngày 120 mg/ngày uống chia làm 2 lần trong 5 ngày 150 mg/ngày uống chia làm 2 lần trong 5 ngày
≥13 tuổi
150 mg/ngày uống chia làm 2 lần trong 5 ngày
Baloxavir (Xofluza)(3)
  • Viên nén 40 mg 
  • Viên nén 80 mg
  • 2 mg/mL hỗn dịch uống
≥5 tuổi
  • Cân nặng <20 kg (hỗn dịch uống): 2 mg/kg uống một liều duy nhất
  • Cân nặng từ 20 đến <80 kg (hỗn dịch uống hoặc viên nén): 40 mg uống một liều duy nhất
  • Cân nặng ≥80 kg (hỗn dịch uống hoặc viên nén): 80 mg uống một liều duy nhất
Peramivir (Rapivab)(1)
  • 200 mg trong 20 mL (10 mg/mL) trong lọ dùng một lần
6 tháng đến 12 tuổi
12 mg/kg mỗi liều tiêm tĩnh mạch(IV) một lần (liều tối đa 600 mg)
≥13 tuổi
600 mg IV liều duy nhất
Zanamivir (Relenza)(4)
  • 5 mg mỗi lần hít (Diskhaler)
≥7 tuổi
2 lần hít (tổng cộng 10 mg mỗi liều) 2 lần mỗi ngày trong 5 ngày(5)
(1) Cần điều chỉnh liều dùng cho bệnh nhân suy giảm chức năng thận.
(2) Khi chia hỗn dịch uống oseltamivir, phải cẩn thận cung cấp dụng cụ định lượng phù hợp với đơn vị đo lường trên đơn thuốc.
(3) Baloxavir có sẵn tại Nhật Bản để điều trị bệnh Cúm ở trẻ em <12 tuổi có cân nặng ít nhất 10 kg.
(4) Zanamivir không được khuyến cáo để điều trị cho bệnh nhân nằm viện, do dữ liệu hạn chế ở những bệnh nhân bị cúm nặng. Không nên pha bột hít Zanamivir thành bất kỳ dạng lỏng nào và không được khuyến cáo sử dụng trong máy phun khí dung hoặc máy thở cơ học.
(5) Nên cho hai liều vào ngày 1, với điều kiện các liều phải cách nhau ít nhất 2 giờ.
Sơ đồ tiếp cận chỉ định thuốc kháng vi rút

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Cúm mùa. Truyền Nhiễm. Bộ Y Tế
  2. Seasonal influenza in nonpregnant adults: Treatment. Uptodate 2025
  3. Seasonal influenza and pregnancy. Uptodate 2025
  4. Seasonal influenza in children: Management. Uptodate 2025
 276 lượt xem VIP

DANH MỤC

Bố cục nội dung


ICU & ED chuyển đổi số !

Chuyên về công cụ hỗ trợ thực hành (tools), cập nhật phác đồ điều trị (protocols), hướng dẫn về thủ thuật (procedures), tra cứu về thuốc (drugs) và xét nghiệm (tests), sơ đồ tiếp cận (approach algorithm). Giúp cải thiện tốc độ và độ chính xác trong chẩn đoán và điều trị.
Chuyên về công cụ hỗ trợ thực hành (tools), cập nhật phác đồ điều trị (protocols), hướng dẫn về thủ thuật (procedures), tra cứu về thuốc (drugs) và xét nghiệm (tests), sơ đồ tiếp cận (approach algorithm). Giúp cải thiện tốc độ và độ chính xác trong chẩn đoán và điều trị.
×

Chia sẻ

Phiên bản miễn phí
Phiên bản VIP